Long An "khát" lao động tay nghề cao
VOV.VN - Hiện lượng lao động trở lại tỉnh Long An làm việc đạt gần 100%. Tuy nhiên, địa phương này vẫn đang thiếu hụt hàng chục ngàn lao động, nhất là lao động tay nghề cao. Việc thu hút và giữ chân được người lao động cần nhiều giải pháp thiết thực khi Long An đang đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Lương, thưởng có giữ chân lao động?
Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉ lệ lao động “nhảy việc” tại Long An, giảm so với các năm trước. Hiện, tỉ lệ lao động trở lại làm việc cao, đạt gần 100%. Tại khu Công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc, nhờ chăm lo tốt về điều kiện an sinh, nơi lưu trú, lương thưởng tháng 13, 14 và các chế độ phụ cấp mà ngay sau tết lượng công nhân trở lại sản xuất sớm và gần đủ.
Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc kinh doanh, Công ty cổ phần Long Hậu, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cho biết: Lực lượng lao động tại khu công nghiệp khá dồi dào, để giữ chân công nhân, nhất là lao động có tay nghề, phía công ty, công đoàn đã nỗ lực chăm lo nơi ăn chốn ở để họ an tâm làm việc. Từ thực tế, ông Hiếu cho rằng: việc phát triển nơi lưu trú cho công nhân gắn liền với phát triển khu công nghiệp sẽ ổn định nguồn lao động cho sản xuất.
“Ngoài cung cấp hạ tầng khu công nghiệp thì doanh nghiệp còn cung cấp hạ tầng đời sống, sinh hoạt cho công nhân tại đây nữa. Cho nên trong việc quy hoạch khu công nghiệp cần dành một tỷ lệ đất nhất định để phát triển khu nhà ở. Song song đó là quy chế quản lý, có thể có giao về luôn cho Sở Xây dựng hoặc Ban quản lý khu Kinh tế để phê duyệt, quản lý để thuận lợi hơn cho nhà đầu tư”, ông Bùi Lê Anh Hiếu nói.
Tỉnh Long An dự báo, năm 2022, các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng khoảng 51.000 vị trí việc làm. Trong đó, lao động phổ thông chiếm 71,8%; chế biến, chế tạo chiếm 17,75%; kỹ thuật cơ khí, công nghệ chiếm 7,57% và kinh tế, văn phòng chiếm 7,58%. Chỉ riêng trong tháng 1 và tháng 2/2022, tỉnh này có 210 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng gần 5.000 vị trí việc làm, phần lớn cần lao động có tay nghề.
Để thu hút và bảo đảm nguồn lực lao động, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An chỉ đạo các ngành chức năng tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động làm việc.
“Liên đoàn Lao động tỉnh đang tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đền bù 2 hecta đất, hiện đang thực hiện đền bù thêm 2 hecta nữa để sớm xây dựng thiết chế công đoàn, thiết chế văn hóa... Trước hết nhằm kịp thời chia sẻ những khó khăn cũng như quan tâm đến người lao động có hoàn cảnh khó khăn để an tâm trong lao động, làm tốt mặt an sinh để thu hút người lao động trong điều kiện hiện nay”, ông Nguyễn Văn Quí, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An cho biết.
Khẩn trương tạo nguồn lao động tại chỗ
Sau tết lao động trở lại làm việc đạt tỷ lệ cao nhưng vẫn còn khoảng 5.000 công nhân, người lao động chưa trở lại. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất, ngành nghề sau thời gian dịch bệnh nên lại càng thiếu hụt. Hiện nay, ngoài việc tuyển dụng lao động bù đắp, một số doanh nghiệp ở Long An đã chủ động đến các tỉnh thành khác để đưa lao động lên làm việc.
Ông Nguyễn Đại Tánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, cho biết, để đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao phục vụ cho các khu, cụm công nghiệp, Long An đã mạnh dạn đặt mục tiêu đưa mỗi năm 1.000 lao động đang tham gia sản xuất ở các doanh nghiệp trên địa bàn đi xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc... một thời gian để nâng cao tay nghề, rồi về tỉnh làm việc trở lại.
“Có nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Nhật họ ưu tiên nhận người đi xuất khẩu lao động về. Đặc biệt là ở khu công nghiệp Long Hậu, tại Cần Giuộc, một số doanh nghiệp họ còn nhận người vào làm trước. Trong quá trình làm việc họ huấn luyện, rồi đào tạo tiếng Nhật và tay nghề. Sau đó đưa lao động qua làm việc trụ sở chính tại Nhật. Thời gian 3-5 năm họ tiếp tục huấn luyện, khi trở về sẽ tiếp tục làm việc cho các công ty tại Long An”, ông Nguyễn Đại Tánh cho hay.
Về lâu dài, Long An hướng đến chủ động nguồn nhân lực ngay tại chỗ. Nguồn lao động đi xuất khẩu, làm việc và trở về với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư trên địa bàn được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nguồn nhân lực trình độ chuyên môn, tay nghề kỹ thuật cao, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Long An trong thời gian tới./.