Lụa Vạn Phúc ế hàng, làng nghề vắng tiếng thoi đưa
(VOV) - Nguyên nhân chính là do sản phẩm khó bán, bị hàng kém chất lượng trà trộn, trong khi giá nguyên liệu ngày càng tăng cao...
Mấy năm gần dây, sản phẩm lụa Vạn Phúc sản xuất ra không bán được vì giá nguyên liệu ngày càng tăng cao, nguồn cung tơ không ổn định, cùng với sự trà trộn của nhiều sản phẩm lụa kém chất lượng. Điều này đã khiến nhiều người dù yêu nghề nhưng vẫn phải gác máy để tìm kiếm công việc khác. Lụa Vạn Phúc có từ ngàn đời nay đang đứng trước nguy cơ bị mai một.
Làng lụa Vạn Phúc giờ không còn ồn ào tiếng thoi đưa, tiếng dệt lụa. Bên bờ sông Nhuệ cũng vắng những dải lụa màu phấp phới trong nắng mà thay vào đó là tiếng ồn ào của xe cộ và những nhà trọ đang dần mọc lên. Theo ông Phạm Khắc Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, số hộ còn gắn bó với nghề đến nay đã giảm nhiều.
Sản phẩm lụa Vạn Phúc sản xuất ra khó bán, nhiều áp lực về giá và bị hàng kém chất lượng trà trộn |
Khi còn hoạt động mạnh và sôi nổi nhất, cả làng có tới hơn 1.000 máy dệt. Tiếng rộn ràng thoi đưa nhiều khi, cả ngày lẫn đêm. Thế nhưng, hiện tại, Vạn Phúc còn khoảng 200 gia đình đang làm nghề, trong đó có 50 gia đình làm theo thời vụ. Nguyên nhân chính là do hàng hóa sản xuất ra không bán được, hàng kém chất lượng trà trộn trong khi giá nguyên liệu ngày càng tăng cao.
“Do sự phát triển đô thị lớn, tình hình nguyên vật liệu, giá cả vật tư nâng cao đã có ảnh hưởng đến sản lượng của người dân Vạn Phúc. Cho nên, có một số gia đình không đảm bảo được thu nhập cũng đã phải chuyển sang một số nghề khác, trước mắt là để giải quyết tình hình kinh tế của gia đình hiện tại” - ông Hà cho biết.
Có một nguy cơ mà người dệt lụa Vạn Phúc đều biết nhưng “lực bất tòng tâm” đó là nguồn nguyên liệu. Bởi người dệt lụa Vạn Phúc phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung nguyên liệu, trong khi tốc độ đô thị hóa ở các địa phương ngày càng cao, người dân bỏ trồng dâu nuôi tằm và diện thích trồng dâu càng giảm.
Năm 2009, giá 1kg tơ tằm nguyên liệu khoảng 450.000 đồng, nay là 1,1 triệu đồng. Một chiếc áo lụa cần tới 2,3 - 2,5m lụa, tương ứng với giá 500.000 - 1 triệu đồng. Trong khi các sản phẩm lụa khác kém chất lượng, chẳng hạn như lụa Trung Quốc chỉ có giá 60.000 - 150.000 đồng/sản phẩm.
Các vùng trồng dâu nuôi tằm giờ chỉ còn một vài địa phương như ở Thái Bình, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng. Tuy nhiên nguồn cung này cũng không ổn định. Ông Nguyễn Văn Chính, người có hơn 40 năm làm nghề dệt lụa ở Vạn Phúc cho biết: “Nguyên liệu nhập bây giờ chỉ có 2 nơi là Bảo Lộc và Vĩnh Phúc, nhưng cũng không ổn định lắm. Thời các cụ là trồng dâu nuôi tằm, làm khép kín. Khoảng 5 năm trước đây vẫn làm nhưng bây giờ việc cạnh tranh giữa hàng nhập ngoại, giá cả khác nên không theo được. Địa phương bây giờ cũng không còn đất nữa để trồng dâu nuôi tằm.”
Xây dựng làng lụa Vạn Phúc trở thành điểm du lịch làng nghề của Thủ đô là trọng tâm ưu tiên đầu tư phát triển của quận Hà Đông và Thành phố Hà Nội. Quận Hà Đông đang tích cực đầu tư về cơ sở hạ tầng và vận động người dân giữ lại các máy dệt cổ, nhà cổ để giới thiệu cho du khách. Bên cạnh đó, Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc kết hợp với các công ty du lịch tổ chức đưa khách tham quan, giới thiệu, quảng bá nét độc đáo của làng nghề tới công chúng trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, Quận sẽ ký cam kết với một số địa phương để quy hoạch và duy trì ổn định diện tích trồng dâu nuôi tằm. Quận sẽ khảo sát lại các vùng hiện nay đang cung cấp nguyên liệu, hướng phát triển của họ ra sao, và tìm mở thêm các vùng nguyên liệu mới. Vừa qua, Quận cũng đã có quy hoạch riêng khu vực điểm công nghiệp làng nghề của Vạn Phúc để toàn bộ khu này sẽ vừa là khu tập trung, vừa làm sản xuất, vừa giới thiệu sản phẩm đặc trưng. Quận cũng đang tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Làng nghề vận động để giữ lại một số nhà cổ để làm điểm du lịch.”
“Tiếng thoi đưa” của Vạn Phúc đã đi vào câu hát xưa. Nhưng trước những thăng trầm của kinh tế thị trường, sự cạnh tranh của hàng kém chất lượng, hơn ai hết, chính người Vạn Phúc sẽ quyết định sự hưng thịnh của làng nghề./.