Luật Đất đai (sửa đổi): Cần hoàn thiện quy định giải quyết tranh chấp đất đai
VOV.VN - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2023 đang được lấy ý kiến toàn dân với nhiều nội dung quan trọng. Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm đó là giải quyết tranh chấp và thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Nhiều ý kiến cho rằng cần hoàn thiện quy định trong giải quyết tranh chấp đất đai.
Tranh chấp đất đai đã và đang diễn ra phổ biến và ngày càng phức tạp, chiếm phần lớn trong các vụ khiếu nại, khiếu kiện hiện nay, gây khó khăn trong đời sống xã hội. Thế nhưng, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay còn nhiều bất cập. Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt, Trưởng Văn phòng Luật sư Phiệt và Cộng sự- Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng cho rằng, theo Luật Đất đai hiện hành, đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án giải quyết. Đối với loại đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND các cấp giải quyết. Điều này không còn phù hợp với thực tiễn và sự tiến bộ trong cải cách tư pháp.
Theo Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt, Điều 255 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, giao thẩm quyền toàn bộ cho Tòa án các cấp giải quyết tranh chấp đất đai là phù hợp. Việc này nhằm tách bạch chức năng tư pháp khỏi cơ quan hành pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp của Nhà nước, phù hợp với luật pháp quốc tế và xu hướng chung của thế giới về việc hòa giải cũng như xét xử khi có tranh chấp giữa các bên.
Bởi lẽ, ngoài chức năng xét xử thì Tòa án còn phải thực hiện việc hòa giải là một thủ tục bắt buộc theo tố tụng. Hơn nữa, Tòa án có đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ nghiệp vụ và kiến thức chuyên sâu bảo đảm thực hiện các yêu cầu giải quyết tranh chấp của tổ chức, cá nhân hơn so với UBND các cấp.
Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt nêu ý kiến: “Bản chất của việc tranh chấp nhằm xác định các quyền mà pháp luật quy định chủ thể được thụ hưởng. Việc phân loại đất chưa cấp hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chia thẩm quyền giải quyết là không còn phù hợp. Thiết nghĩ, hãy giao việc giải quyết tranh chấp ấy cho Tòa án để cơ quan tiến hành tố tụng này được trọn quyền giải quyết theo Luật Tòa án. Các cơ quan quản lý nhà nước tham gia cung cấp tài liệu chứng cứ để tòa án chứng minh một cách minh bạch và công khai. Thực tiễn cho thấy, nên tách phần giải quyết tranh chấp khỏi chức năng hành pháp của UBND các cấp để tránh việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể tham gia.”
Luật sư Lê Cao, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng cho rằng, Điều 227, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định mới về thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Cụ thể, các tranh chấp đất đai khi không hòa giải cơ sở được đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án giải quyết.
Đây là bước đi cần thiết, đảm bảo sự tập trung, cơ quan có chuyên môn, nghiệp vụ giải quyết tranh chấp thống nhất, giảm tải trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý đất đai. Tuy nhiên, Luật Đất đai hiện hành chưa có quy định cụ thể về mối quan hệ phối hợp trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai; chưa có quy định về thời hạn tối đa mà các cơ quan quản lý hồ sơ, tài liệu phải cung cấp cho Tòa án, cũng như chưa quy định cần cung cấp các hồ sơ gì. Luật Đất đai 2013 cũng chưa quy định chế tài xử lý nếu không cung cấp hồ sơ hoặc cung cấp không đầy đủ, không đảm bảo thời hạn cung cấp hồ sơ.
Theo Luật sư Lê Cao, có những vụ án người dân kiện ra tòa nhưng tòa án phải tạm đình chỉ nhiều lần vì phải chờ tài liệu của cơ quan có thẩm quyền làm cho vụ án tranh chấp kéo dài dai dẳng nhiều năm không xử lý được. Hiện nay, cả Luật đất đai 2013 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đều không có quy định như thế nào là “đất không có tranh chấp” hoặc “đất đang có tranh chấp”; Làm cách nào, khi nào thì có thể xác định một thửa đất đang trong tình trạng “đất không có tranh chấp”.
Đây là vấn đề vô cùng quan trọng để xác định quyền của người sử dụng đất trên thực tế. Bởi lẽ, có người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn trong thời hạn sử dụng, không bị kê biên thi hành án hoặc không bị áp dụng các biện pháp tư pháp khác nhưng nếu ở tình trạng “đang có tranh chấp” thì họ không thực hiện được quyền của mình.
Vậy, khi nào thì đất đang trong “tình trạng tranh chấp” có hoặc không có tranh chấp. Nếu luật không quy định rõ sẽ dẫn đến có những cách hiểu khác nhau và dẫn đến vướng mắc khi áp dụng, việc thực hiện quyền của người sử dụng đất trên thực tế bị ảnh hưởng. Luật sư Lê Cao đề nghị, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần quy định khái niệm “đất đang có tranh chấp” hoặc quy định điều kiện để xác định “đất đang có tranh chấp” và làm rõ mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan quản lý nhà nước về đất đai trong việc giải quyết tranh chấp đất đai.
“Câu chuyện giải quyết các giao dịch tranh chấp, liên quan đến đất đai rất nóng bỏng, lặp lại rất nhiều trong đời sống xã hội, dẫn đến nhiều năm qua có nhiều vụ án ách tắc, vì không có sự phối hợp giữa cơ quan giải quyết tranh chấp và cơ quản lý nhà nước về đất đai. Theo tôi, xử lý các quan hệ tranh chấp này là vấn đề rất lớn. Dự thảo Luật Đất đai lần này cũng đã bổ sung, sửa đổi nhưng mà chưa triệt để, cần phải sung thêm các nội dụng này để có sự phối hợp giải quyết tranh chấp của các ơ quan có thẩm quyền." Luật sư Lê Cao nêu ý kiến./.