Lý do Mỹ bất ngờ đề xuất vòng đàm phán thương mại với Trung Quốc
VOV.VN - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bất ngờ đề xuất tiến hành một vòng đàm phán thương mại mới với Trung Quốc.
Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung đã bước sang tháng 3 và hai bên liên tiếp đưa ra các biện pháp đáp trả thuế qua theo kiểu “ăn miếng, trả miếng”.
Ông Larry Kudlow, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế của Nhà Trắng cho biết, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và các quan chức cấp cao khác đã mời những người đồng cấp Trung Quốc, trong đó có Phó Thủ tướng đặc trách về kinh Lưu Hạc, tham gia vòng đàm phán thương mại mới nhằm giải quyết các quan ngại, trước khi Mỹ xem xét áp đặt thêm các mức thuế quan với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Cuộc gặp này có thể diễn ra tại thủ đô Washington hoặc Bắc Kinh trong những tuần tới.
Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ lại chủ động đề xuất nối lại các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Báo cáo về tình hình kinh tế Mỹ do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố ngày 12/9 cho thấy, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác, nhất là với Trung Quốc đã đẩy nhiều doanh nghiệp nước này tới tình cảnh lao đao, khiến họ phải trì hoãn hoặc cắt giảm các kế hoạch đầu tư.
Mỹ bất ngờ đề xuất vòng đàm phán thương mại với Trung Quốc. (Ảnh: Getty) |
Làn sóng phản đối các biện pháp thuế quan mà Chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt chống Trung Quốc đang ngày càng tăng trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.
Giới doanh nghiệp Mỹ đã vận động hành lang để Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc và tại Thượng Hải công bố kết quả một cuộc khảo sát chung chứng minh tác động tiêu cực đối với các công ty của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc. Cụ thể, hơn 60% doanh nghiệp được khảo sát cho biết các biện pháp thuế quan của Mỹ đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ, trong khi một tỷ lệ tương tự cho rằng các mức thuế mà Trung Quốc áp vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ đang gây tác động lên hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, lượng du khách Mỹ đến Trung Quốc cũng đang giảm mạnh do cuộc đối đầu thương mại giữa hai nước. Ông David Tarsh, người phát ngôn chính thức của ForwardKeys - một công ty chuyên cung cấp đánh giá tình hình thị trường cho các doanh nghiệp lữ hành cho biết, du khách Trung Quốc hiện đóng góp 8,6% tổng doanh thu của ngành du lịch Mỹ.
“Kể từ khi các biện pháp trừng phạt thương mại xảy ra lần đầu vào ngày 23/3 đến nay lượng du khách Trung Quốc đặt chuyến bay đến Mỹ đã giảm 8,4%. Đây là một mức giảm lớn. Nếu xem xét từ nay đến cuối năm, số du khách đặt chuyến đến Mỹ giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, đây thậm chí đây là triển vọng bi quan hơn” - ông David Tarsh nói.
Trước đó, ngày 12/9, một nhóm gồm hơn 60 ngành nghề của Mỹ đã khai trương một liên minh có tên gọi “Người Mỹ vì Tự do Thương mại” (Americans for Free Trade) để chống lại các biện pháp thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Trong một diễn biến liên quan, cổ phiếu châu Á ngày 13/9 đồng loạt tăng điểm nhẹ trong hy vọng một thỏa thuận giảm đối đầu thương mại được đưa ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hoan nghênh đề xuất của Mỹ tổ chức vòng đàm phán thương mại mới. Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Gao Feng) cho biết, hai bên đang thảo luận một số chi tiết liên quan đến cuộc đàm phán sắp tới. Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh, căng thẳng thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ không có lợi cho bất cứ bên nào.
Dù Mỹ - Trung hướng đến đối thoại, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kudlow cho biết ông vẫn không thể đảm bảo điều gì. Giới quan sát nhận định, nút thắt trong cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung chỉ hy vọng được giải quyết nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sẽ được tổ chức tại Argentina vào tháng 11 tới./.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đe dọa các nền kinh tế mới nổi
Thâm hụt thương mại Mỹ - Trung tăng kỷ lục lên 31 tỉ USD