Miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là cần thiết
VOV.VN - Trong tổng số hơn 815.000 doanh nghiệp đã được thành lập và hoạt động thì số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 93%. Xác định nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ luôn là đối tượng cần phải có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển, đồng thời cũng là nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước.
Trong dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) vừa trình Chính phủ, Bộ Tài chính dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng và tương thích với các luật chuyên ngành được Quốc hội ban hành sau thời điểm Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực.
Một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ Tài chính đề xuất đó là nghiên cứu bổ sung quy định về mức thuế suất đối với doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thấp hơn mức thuế suất thông thường để đồng bộ với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.
Theo thống kê, hiện số lượng doanh nghiệp có quy mô nhỏ, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và đang giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội.
Trong tổng số hơn 815.000 doanh nghiệp đã được thành lập và hoạt động thì số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 93%. Xác định nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ luôn là đối tượng cần phải có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển, đồng thời cũng là nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất một số chính sách ưu đãi thuế thu nhập các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ xuống mức 15-17% thay vì 20% như hiện nay. Cụ thể, thuế suất 15% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người. Thuế suất 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.
Song song với đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm: "Đề xuất của Bộ Tài chính lần này mà được Chính phủ đồng thuận theo chúng tôi là đề xuất rất quan trọng, thực hiện đúng tinh thần của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa- một chính sách đưa ra những giải pháp để thúc đầy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thì đây là một giải pháp rất cụ thể và thiết thực.
Theo chúng tôi đây là tin vui đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên thì chưa phải là tất cả, những giải pháp nếu không đồng bộ thì rõ ràng như giải pháp về thuế thì cũng chưa tạo ra chuyển biến lớn đối với nhóm doanh nghiệp mà được đánh giá là còn nhiều khó khăn và yếu thế này.
Trước hết, chính sách ưu đãi thuế này là phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực hiện nay đang giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều thứ hai, doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn thì đây là một giải pháp góp phần giảm khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Nhưng ưu đãi ở đây là để cho doanh nghiệp gặp thuận lợi để lớn lên, chứ không phải ưu đãi để doanh nghiệp cứ nhỏ mãi để hưởng ưu đãi. Chính vì vậy, chúng ta hiểu rằng, chính sách ưu đãi thuế này là giải pháp của nhà nước, để thúc đẩy khu vực này lớn mạnh hơn nữa, tạo thêm nhiều công ăn việc làm hơn nữa, đóng góp nhiều ngân sách trong tương lai hơn nữa chứ không phải ưu đãi ở đây để cho dn nhỏ và vừa cứ loay hoay mãi với quy mô nhỏ và vừa, thì đây cũng là định hướng rất quan trọng.
Theo chúng tôi chắc chắc là sẽ có những giải pháp kèm theo như giải pháp ưu đãi thuế này, để thúc đầy khu vực này phát triển mạnh hơn nữa, để tạo thành một khu vực doanh nghiệp rất vững mạnh trong thời gian tới".
Theo Tổng cục thuế, Bộ Tài chính: năm 2022, hàng chục nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã được miễn, gia hạn nộp thuế với số tiền 233 nghìn tỷ đồng. Đây như là một khoản tín dụng của nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với lãi suất 0%, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng vốn lưu động. Nhờ vậy, trong năm 2022, các doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất, GDP đã tăng 8,02%, còn ngân sách nhà nước thì không những không giảm mà vẫn tăng vượt dự toán tới 27%.
Miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, như vậy, một chính sách mà cả doanh nghiệp và nhà nước đều có lợi.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng: "Khi doanh nghiệp còn khó khăn về vốn về chi phí thì rất là cần sự hỗ trợ và lúc khó khăn nhất thì cần hỗ trợ của Chính phủ của Quốc hội. Và khi họ được hỗ trợ rồi thì khó khăn từng bước vượt qua thì lúc đó chúng ta gọi là đây là biện pháp để nuôi dưỡng nguồn thu. một mũi tên mà trúng được nhiều đích, tác động trực tiếp giảm khó khăn cho doanh nghiệp nhưng đồng thời mang lại lợi ích gián tiếp cho Chính phủ".
Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thu Hoài, Khoa Thuế-Hải quan, Học viện Tài chính, những chính sách về thuế nên tạo động lực khôi phục sản xuất cho doanh nghiệp bởi doanh nghiệp hoạt động tốt, nguồn thu thuế vào ngân sách nhà nước cũng ổn định.
"Chính sách này thì một mũi tên trúng nhiều đích bởi vì thay bằng nhà nước vẫn thu, ngân sách vẫn tăng lên, chỉ có là giãn thời gian ra thôi, thu muộn hơn thì chính sử dụng dòng tiền vốn lưu động đó trong thời gian đấy để thời gian đó để cho tái tạo ở các doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ phát triển hơn và tạo ra hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định của cả nền kinh tế" - Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thu Hoài bày tỏ.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: "Gắn với các hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ thì cũng đã có 2 văn bản rất quan trọng đó là NQ 11 của Chính phủ và NQ số của Quốc hội, trong đó, nổi lên 2 nội dung quan trọng nhất thứ nhất là giảm thuế VAT đối với các cơ sở kinh doanh mà có tính thuế GTGT thì còn 8% giảm 2% và đối với phương pháp giảm 20% trong tỉ lệ % được thực hiện hoá đơn đối với cơ sở hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh tính thuế theo tỉ lệ % trên doanh thu.
Thứ hai, giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước áp dụng đối với hộ kinh doanh và các cá nhân được nhà nước cho thuê đất và hỗ trợ lãi suất 0% một năm trong năm 2022, 2023. Đối với các khoản vay mà kể cả cho hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi tốt. Thì đấy là những nội dung chuyên biệt có thể áp dụng đối với các hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ.
Ngoài đề xuất giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kiến nghị được nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp nêu lên đó là: cần xem xét lại chính sách thuế giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước với các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Vì hiện nay, phần lớn nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp, khoảng 10%-15%. Dù biết đây là chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhưng đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần được hưởng mức thuế tương đương.
Ông Phạm Ngọc Đào, Công ty cổ phần Hồng Đào cho biết: "Cần là vì trong nguồn thu vào bị khó khăn, phí tăng lên bây giờ giảm được cái gì trong thuế GTGT hay thuế thu nhập thì hết sức cần thiết và cái đó cũng là động lực để thấy được sự chia sẻ của Chính phủ…"
Tại dự án xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về các khoản thu nhập được miễn, giảm thuế. Theo đó, bổ sung quy định miễn thuế đối với: Khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; thu nhập từ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu sử dụng ngân sách nhà nước; thu nhập từ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị bổ sung quy định miễn thuế đối với thu nhập từ tiền lãi từ trái phiếu xanh và thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh; thu nhập từ khoản bồi thường của Nhà nước; thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi trái phiếu chính phủ, lãi tín phiếu kho bạc của các quỹ tài chính nhà nước và quỹ khác của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận./.