Mô hình nuôi chim yến hiệu quả kinh tế cao nhưng còn nhiều bất cập
VOV.VN - Tại ĐBSCL, hầu hết mô hình chăn nuôi chim yến là tự phát. Nhiều công trình nuôi chim yến cao tầng không có giấy phép xây dựng, ngoài vùng quy hoạch...
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, mô hình nuôi chim yến thương mại phát triển từ năm 2004. Đến nay, cả nước có 42/63 tỉnh, thành có mô hình nuôi chim yến với gần 9.000 nhà yến. Các khu vực có mô hình chăn nuôi nhiều nhất là ĐBSCL, Đông Nam bộ, Duyên hải miền Trung…
Do nhu cầu xuất khẩu gia tăng nên giá trị tổ yến tăng cao từ 1.500-2.000 USD/kg tổ yến. Mỗi năm, sản phẩm tổ yến được đưa đi xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ khoảng 100 - 25 triệu USD/năm.
"Lâu đài" nuôi chim yến của ông Trần Văn Kết, nguyên Chủ tịch UBND Tp. Mỹ Tho, là một trong những nhà yến "khủng" nhất tỉnh Tiền Giang. |
Đối với vùng ĐBSCL, mô hình nuôi chim yến phát triển nhiều tại các tỉnh: Tiền Giang, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Bến Tre. Hầu hết các mô hình chăn nuôi này mang tính tự phát, không theo quy hoạch. Nhiều công trình nuôi chim yến cao tầng nhưng không có giấy phép xây dựng, ngoài vùng quy hoạch; nuôi trong khu đông dân cư, gây tiếng ồn, làm ô nhiễm môi trường, có nguy cơ lây lan dịch bệnh…
Để chấn chỉnh tình trạng này, hiện nay, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang hoàn chỉnh “khung” pháp lý về việc chăn nuôi chim yến, trong đó quy định cụ thể vùng nuôi, kèm theo các quy định cụ thể ràng buộc các tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây nhà nuôi yến phải đảm bảo các điều kiện cần thiết, nhất là yếu tố về môi trường.
UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu tạm thời ngừng phát triển mới, mở rộng nuôi chim yến tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung và các công trình công cộng trên địa bàn. Riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tạm thời cấm xây dựng mới nhà nuôi chim yến trong khu vực nội ô thành phố, thị xã./.
Khó kiểm soát tình trạng nuôi chim yến ở Đồng Nai