Mùa kiệu buồn trong vòng xoáy “cung vượt cầu“
VOV.VN - Nếu như mọi năm, kiệu ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp có giá khá cao thì năm nay, giá lại thấp kỷ lục khiến cho người trồng gặp nhiều khó khăn.
Thời điểm này, người dân xứ kiệu Tam Nông đang tấp nập thu hoạch. Theo nhiều nông dân, năng suất và chất lượng kiệu năm nay tốt hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, điều đáng buồn, giá kiệu chỉ còn bằng một nửa so với năm ngoái và dao động khoảng 10.000 đồng/kg kiệu tươi. Với giá này, cả nông dân, thương lái đều gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có người thua lỗ.
Dù đã mở rộng thị trường ra tận Quảng Bình nhưng theo ông Phạm Hoàng Bộ, thương lái địa phương đồng thời cũng là Chủ nhiệm Hiệp Tâm hội quán, xã Phú Hiệp thì sức tiêu thụ cũng không khá hơn: “Năm nay, mỗi người từ 3-5 công chuyển lên hai chục, ba chục công. Ai trồng kiệu vẫn lỗ vậy đừng nên để kiệu giống vì bán không được. Nguyên nhân do bà con giấu không cho Hội quán biết, thành viên hội quán thì trồng ít, ngoài thì trồng đại trà”.
Giá kiệu xuống thấp, người dân kém vui. |
Tại cơ sở dưa kiệu, nước mắm Thành Công 2, bà Nguyễn Thị Cưng cũng chỉ có thể tiêu thụ số lượng rất nhỏ để bán các sản phẩm dưa kiệu đóng hộp. Dù là cơ sở nhỏ, nhưng bà vẫn đều đặn tham gia tất cả các hội chợ, phiên chợ xanh…với mong muốn là kênh tiêu thụ cho củ kiệu quê nhà.
BàNguyễn Thị Cưng chia sẻ: “Trong 2 tuần thì làm 500-700 ký thôi. Năm nay mọi người trồng nhiều, có người người trồng vài ha, có người 3-4ha”.
Bị hấp dẫn từ giá kiệu năm trước, nhiều nông dân Tam Nông đã ồ ạt xuống giống. Để giờ đây, phải chịu cảnh bán không được, để cũng không xong. Mỗi công kiệu chi phí gần 50 triệu đồng. Trong khi đó, với mức giá như hiện nay thì hòa vốn là điều may mắn.
Nguyên nhân được rút ra là chưa có liên kết ổn định, chưa nắm thông tin thị trường lại tăng diện tích một cách ồ ạt. Giữa người nông dân cũng chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề rải vụ…Do đó, hệ lụy thua lỗ đã làm thiệt hại cho nhiều người dân trồng kiệu.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, sau vụ kiệu này, UBND huyện sẽ cùng Phòng Nông nghiệp tính lại lượng sản xuất của bà con, đồng thời vận động bà con rải vụ, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ”.
Dưới cái nắng trời gay gắt, những luống kiệu tươi dần khô lá để trở thành giống cho những vụ sau. Bài học từ “Một mùa kiệu buồn” còn đó và điệp khúc “cung vượt cầu” của một số nông sản, hàng hóa khác để nhắc nhớ nông dân cho những vụ mùa tiếp theo./.
Nông sản rớt giá - Câu chuyện vẫn còn tiếp diễn