Mùa mắc coọc ở Mường Chanh
Những ngày này, nông dân xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, đang khẩn trương bước vào vụ thu hoạch mắc coọc. Năm nay, bà con rất phấn khởi, bởi mắc coọc được mùa, được giá.
Đến thăm vườn mắc coọc đang vào độ chín của gia đình anh Hà Văn Trường, bản Nà Cà, xã Mường Chanh, khi các thành viên trong gia đình đang thu hoạch quả. Anh Trường cho biết: Gia đình trồng 30 cây mắc coọc xen vườn cà phê. Từ đầu vụ đến nay, thu hoạch trên 3 tấn quả, giá bán 8.000 đến 10.000 đồng/kg tại vườn, thu về gần 30 triệu đồng.
Chia sẻ thêm về kỹ thuật chăm sóc, anh Trường cho biết thêm: Trồng cây mắc coọc không phải chăm sóc nhiều, bởi loại cây này có khả năng sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh; chủ yếu cắt tỉa cành và bón phân vào gốc để kích thích tăng trưởng cho cây, đến mùa quả đặt bẫy bằng keo sinh học để tránh côn trùng đục quả.
Là một trong những hộ gia đình trồng nhiều mắc coọc ở bản Nà Cà, anh Hoàng Văn Phanh chia sẻ: Gia đình trồng 50 cây mắc coọc, năm nay, thu trên 6 tấn quả, trừ chi phí, thu lãi hơn 40 triệu đồng. Các thương lái tới tận vườn thu mua, không mất công mang đi bán lẻ. Năm tới, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng.
Trước đây, cây mắc coọc mọc tự nhiên trên rừng, đến mùa thu hoạch, bà con lên rừng hái về ăn hoặc đem ra chợ bán. Ngày nay, nông dân xã Mường Chanh đã áp dụng phương pháp chiết cành, để nhân giống, đem về trồng tại vườn của các gia đình, sau 3-4 năm chăm sóc, cây mắc coọc bắt đầu cho thu hoạch quả.
Quả mắc coọc hay còn gọi là quả lê rừng, tên theo tiếng Thái là "má công" thường chín vào vào tháng 6, 7 hằng năm. Loại quả này khi chưa chín, có màu xanh vị hơi chát; đến khi chín, quả chuyển sang màu nâu đất, có vị ngọt thanh, là loại quả đặc trưng được đồng bào dân tộc Thái xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, trồng nhiều năm qua.
Theo người lớn tuổi ở xã Mường Chanh, thì quả mắc coọc không chỉ là thực phẩm, còn có một số tác dụng trị bệnh ho, bổ phế tiêu đờm.
Cây mắc coọc được bà con trồng từ lâu đời và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương. Hiện nay, toàn xã có khoảng 5 ha. Những năm gần đây, loại quả này được người tiêu dùng ưa chuộng, tìm mua. Xã đang định hướng nhân dân trồng xen làm bóng mát cho cây cà phê và đưa quả mắc coọc trở thành sản phẩm đặc sản của địa phương, tăng thêm thu nhập cho nông dân.