Mua tạm trữ lúa gạo: Nông dân lo, doanh nghiệp không mặn mà
(VOV) - Chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo đã chính thức bắt đầu từ ngày hôm nay (15/6) và kéo dài đến 31/7 tới.
Đến thời điểm này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, đã chốt, giao chỉ tiêu cho 115 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia mua tạm trữ lúa hè thu 2013 ở ĐBSCL. Danh sách này đã gửi đến 13 tỉnh, thành ĐBSCL và báo cáo lên Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Theo VFA, với giá lúa thấp, đầu ra xuất khẩu khó khăn như hiện nay, việc các doanh nghiệp triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo ở ĐBSCL từ ngày hôm nay (15/6), may chăng chỉ cứu nông dân ở mức có lãi, chứ khó đạt lãi 30% trở lên.
Về vấn đề này, ông Đặng Văn Khương, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty Lương thực Đồng Tháp cho biết: “Công ty đã nhận được chỉ tiêu phân bổ, đã triển khai đến các xí nghiệp trực thuộc. Về giá, chúng tôi chỉ mua theo giá thị trường”.
Theo thông báo của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa gạo bình quân của ĐBSCL vụ này là 4.142 đồng/kg. Theo đó, để cho nông dân có lãi 30% trở lên thì giá lúa tại ruộng ít nhất phải là 5.400 đồng nhưng tại thời điểm tuần này theo báo cáo của Hiệp hội lương thực thì giá tại ruộng tính thành giá lúa khô: lúa 50404 là 4.450 đồng, lúa hạt dài là 4.875 đồng, như vậy bà con chưa được lãi như mong đợi.
Mặt khác, ở ĐBSCL lịch thời vụ và thời điểm thu hoạch ở các vùng khác nhau, như ở Đồng Tháp đến thời điểm này người dân đã thu hoạch trên 70% diện tích. Do sự "nhùng nhằng" trong việc bàn thảo quy chế thu mua tạm trữ, nên đến thời điểm này nông dân Đồng Tháp đã thu hoạch gần hết lúa nhưng vẫn chưa được hỗ trợ từ chính sách thu mua tạm trữ. Trong khi đó, ở đợt mua tạm trữ lúa, gạo vụ Hè thu này, Hiệp Hội lương thực Việt Nam đã phân bổ chỉ tiêu cho 8 doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp mua 76.000 tấn quy gạo cho nông dân. Chính vì lẽ đó, phần lớn nông dân ở đây chẳng được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Việc Chính phủ giao cho VFA phối hợp với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL phân chỉ tiêu cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ vụ hè thu đã thể hiện được sự gắn kết bước đầu với địa phương. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp thu mua lúa gạo trên địa bàn vẫn là lượng lúa gạo tồn kho rất lớn. Trong khi theo quy định bắt đầu từ ngày hôm nay doanh nghiệp phải thu mua lúa, gạo để kích thích giá lúa tăng lên hỗ trợ cho người dân.
Do đó, vấn đề đặt ra trước mắt nếu Chính phủ giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ cho doanh nghiệp thì có thể hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp để giảm áp lực khó khăn cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo. Riêng về lâu dài để hạn chế áp lực lúa gạo tồn kho cho doanh nghiệp, Hiệp hội lương thực cần tìm đầu mối xuất khẩu lớn thì mới mong doanh nghiệp giảm bớt áp lực đầu ra.
Ông Phan Kim Sa, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Giá gạo có tăng hay không là còn do đầu ra. Nhưng xuất khẩu chưa có điểm sáng.
Còn ông Đoàn Văn Hiền, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu – Thương mại Võ Thị Thu Hà tại Sa Đéc cho biết thêm: “Tạm trữ và chủ trương thu mua là đúng đắn, doanh nghiệp cũng đồng ý tham gia. Nhưng không có hợp đồng đầu ra tốt và không nâng được giá trị hạt gạo Việt Nam trên thế giới thì có mua, doanh nghiệp lãnh đủ”.
Giải pháp căn cơ và quyết định nhất trong việc tăng lãi cho người nông dân vẫn là làm sao để xuất khẩu được số lượng lớn hơn và giá tốt hơn. Tuy nhiên, cả 2 yếu tố này trong thời điểm hiện nay đều bất lợi. Một vụ lúa mà “thiên không thời, địa không lợi mà nhân cũng không hòa” đang hiển hiện trước mắt. Hơn ai hết, chính những người nông dân trực tiếp làm ra hạt lúa mới nhận biết rõ ràng nhất những gì đang diễn ra xung quanh mình./.