Mỹ không dễ áp thuế chống trợ giá tôm đông lạnh Việt Nam
(VOV)-Tôm đánh bắt tự nhiên tại Mỹ và tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam là hai sản phẩm hoàn toàn khác nhau, không hề cạnh tranh với nhau.
Ngày 18/1 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ chính thức tuyên bố điều tra vụ kiện chống trợ giá đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước khác. Quyết định trên được đưa ra dựa trên những cáo buộc phi lý của Liên minh Công nghiệp tôm vùng Vịnh (COGSI) về cạnh tranh không lành mạnh giữa tôm đánh bắt của Mỹ và tôm nuôi nhập khẩu vốn là 2 sản phẩm hoàn toàn khác nhau.
Ngày 7/2 tới, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ sẽ quyết định có tiến hành các thủ tục pháp lý đối với vụ kiện này hay không. Phóng viên VOV tại Mỹ đã có cuộc trao đổi với Luậu sư Matthew McConkey thuộc Mayer Brown, Công ty Luật được các bị đơn ủy thác biện hộ trong vụ kiện.
Luật sư Matthew McConkey |
PV: Thưa ông McConkey, theo tôi được biết, tôm đánh bắt tự nhiên và tôm nuôi là 2 sản phẩm không cùng chủng loại. Vậy việc Liên minh Công nghiệp tôm vùng Vịnh kiện tôm nhập khẩu của Việt Nam và một số nước khác phải chăng là điều phi lý?
Ông Matthew McConkey: Quan điểm của bạn về vấn đề này là hoàn toàn chính xác. Các nhà chế biến tôm của Mỹ quyết định khởi kiện để ngăn cản nhập khẩu tôm vào Mỹ nhưng vấn đề ở đây là liệu tôm đánh bắt tự nhiên của Mỹ và tôm nuôi của Việt Nam có phải là cùng một loại sản phẩm hay không để có thể cạnh tranh với nhau. Luật Mỹ quy định 2 cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về những vụ kiện như thế này.
Thứ nhất là Bộ Thương mại và thứ hai là Ủy ban Thương mại Quốc tế. Bộ Thương mại chịu trách nhiệm tìm hiểu về việc Chính phủ Việt Nam có trợ giá cho ngành nuôi tôm trong nước hay không, trong khi Ủy ban Thương mại Quốc tế sẽ xem xét vấn đề liệu ngành công nghiệp chế biến tôm của Mỹ có bị thiệt hại về kinh tế do tôm nhập khẩu của Việt Nam hay không.
Trước Ủy ban Thương mại Quốc tế, chúng tôi khẳng định rằng tôm đánh bắt tự nhiên tại Mỹ và tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam là hai sản phẩm hoàn toàn khác nhau và không hề cạnh tranh với nhau. Hơn nữa, phần lớn người tiêu dùng Mỹ cũng đều không coi tôm đánh bắt tự nhiên và tôm nhập khẩu là những sản phẩm đang cạnh tranh trên thị trường. Xét trong trường hợp này thì tôm nuôi của Việt Nam, Indonesia hay Trung Quốc mới chính là đối thủ của nhau chứ không phải là tôm đánh bắt tự nhiên của Mỹ. Chúng tôi nêu rõ với Ủy ban Thương mại Quốc tế rằng tôm nhập khẩu, dù từ Việt Nam hay bất kỳ nước nào khác, đều không thể gây tổn hại kinh tế cho ngành công nghiệp chế biến tôm của Mỹ và do vậy vụ kiện này cần phải bị hủy bỏ.
PV: Trong vụ kiện này thì ngành sản xuất tôm của Việt Nam đang nắm lợi thế gì, thưa ông?
Ông Matthew McConkey: Ngành công nghiệp tôm Việt Nam đã trải qua một vụ kiện tương tự. Đó là vụ kiện bán phá giá, với những thủ tục pháp lý, quy trình giống như trên và cùng một cơ quan Mỹ thụ lý. Như vậy, trong vụ kiện mới nhất thì Việt Nam có nhiều kinh nghiệm hơn các nước liên quan khác như Indonesia hay Malaysia, và đã phản ứng rất nhanh. Việt Nam hiểu rất rõ nguy cơ từ các vụ kiện như thế này nên đã mau chóng tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan.
Lợi thế thứ hai là Việt Nam đã xử lý rất tốt một số những vụ kiện chống trợ giá, chẳng hạn như móc treo quần áo và ống thép, khiến mức thuế áp lên các sản phẩm này, nếu có, cũng rất thấp. Tôi cho rằng nếu thực sự có chuyện trợ giá đối với doanh nghiệp nào đó của Việt Nam thì mức thuế chống trợ giá cũng sẽ rất thấp, giống như mức thuế chống phá giá đối với tôm Việt Nam cách đây vài năm.
PV: Theo nhận định của ông thì cơ hội thành công của Việt Nam trong vụ kiện này như thế nào?
Ông Matthew McConkey: Tôi cho rằng chúng ta cần phải định nghĩa thế nào là thành công do quan niệm về vấn đề này khác nhau trong mỗi vụ việc. Đôi khi mức thuế chống trợ giá vào khoảng 5% cũng đã có thể coi là thành công rồi. Nếu có bị áp thuế mà Việt Nam vẫn có thể bán tôm với mức giá cạnh tranh, vẫn có chỗ đứng trên thị trường Mỹ thì rõ ràng là thành công rồi. Tôi tin rằng ngành công nghiệp tôm của Việt Nam sẽ xử lý tốt vụ kiện và cũng giống như vụ kiện ống thép nêu trên, nhiều khả năng Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ sẽ không thể chứng minh được ngành nuôi tôm Việt Nam được chính phủ trợ giá.
PV: Trong trường hợp Bộ Thương mại Mỹ đưa ra phán quyết bất lợi cho bị đơn, vụ kiện này sẽ có tác động như thế nào đối với các nước liên quan cũng như người tiêu dùng Mỹ?
Ông Matthew McConkey: Nếu như vì một lý do nào đó mà Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống trợ giá với mức cao thì ngành tôm Việt Nam sẽ chịu thiệt hại lớn về tài chính vì Mỹ là thị trường nhập khẩu rất lớn đối với sản phẩm này. Tuy nhiên, một lần nữa tôi muốn khẳng định là điều này khó xảy ra bởi vì ngành công nghiệp tôm Việt Nam đã phản ứng rất tốt, đặc biệt là Bộ Công thương Việt Nam đã có kinh nghiệm xử lý những vụ kiện như thế này.
Tôm là mặt hàng thủy sản được người Mỹ tiêu thụ nhiều nhất, trong khi ngành chế biến tôm trong nước chỉ đáp ứng được từ 6%-10% nhu cầu, nhưng đáng tiếc là hệ thống pháp luật Mỹ không xem xét đến vấn đề này. Luật chống trợ giá được áp dụng chỉ đơn thuần để bảo vệ các ngành sản xuất của Mỹ và chính là một hình thức bảo hộ mậu dịch. Đáng tiếc là Chính phủ Mỹ không xem xét đến tác động của những vụ tranh chấp thương mại kiểu này đối với người tiêu dùng Mỹ. Trong trường hợp tôm nhập khẩu bị áp mức thuế chống trợ giá cao thì rõ ràng là ngành sản xuất tôm trong nước không thể đáp ứng đủ nhu cầu và như vậy sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu thiệt./.
PV: Xin cảm ơn ông!