Na Uy - Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi
VOV.VN - Sáng 4/10, tại trụ sở Bộ Công Thương, Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội đã công bố và bàn giao cho Bộ Công Thương Việt Nam Báo cáo “Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi cho kịch bán phát triển nhanh của Việt Nam".
Được hoàn thành trong tháng 12/2023, Báo cáo “Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi cho kịch bán phát triển nhanh của Việt Nam” đánh giá tiềm năng phát triển, cũng như đề xuất các bước tiếp theo để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi (ĐGNK) hoàn chỉnh và hiệu quả ở Việt Nam. Sau khi Chính phủ Việt Nam thông qua việc triển khai thí điểm 2 dự án ĐGNK, Báo cáo minh họa chuỗi cung ứng tiềm năng cho phương án phát triển 1GW ở khu vực miền Bắc và 1GW ở miền Nam Việt Nam. Trong đó, hoàn thành 1GW vận hành thương mại (COD) vào năm 2030 và bổ sung 1GW vận hành thương mại vào năm 2035.
Trình bày khái quát các nội dung chính Báo cáo, chuyên gia tư vấn của Đại sứ quán Na Uy - ông Ricardo Felici cho biết, Việt Nam có tiềm năng đáng kể trong việc nội địa hóa các thành phần chính của một dự án ĐGNK, bao gồm chế tạo chân đế, lắp ráp vỏ bọc và cung cấp trụ tua bin gió. Tuy nhiên, có một vài lĩnh vực như lắp cáp ngầm và tàu chở tua bin gió (WTG) vẫn cần được tiếp tục củng cố và phát triển thêm.
Đánh giá hạ tầng cảng ở khu vực phía Bắc và phía Nam, ông Ricardo Felici cho rằng, các cảng biển tại hai khu vực này phù hợp và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ngành ĐGNK. Báo cáo đã làm rõ nhu cầu nâng cấp hệ thống cảng biển hiện tại ở cả hai miền Bắc và Nam để đảm bảo tốt công tác hậu cần cho ngành.
“Điều kiện của các cảng biển phía Nam, như cảng Vũng Tàu tốt hơn do cơ sở hạ tầng dầu khí đã được thiết lập. Trong khi đó, các cảng biển ở phía Bắc như ở Hải Phòng lại có những lợi thế nhất định về hoạt động hậu cần, cung ứng đáng kể vật liệu thép, vì thế có khả năng trở thành các trung tâm chế tạo tàu biển”, ông Ricardo Felici dẫn Báo cáo.
Quan tâm mạnh mẽ đến các nhà cung ứng trong nước, báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng của các nhà cung ứng. Theo đó, có 8 nhà cung cấp lớn, trong đó có Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) và Công ty TNHH CS Wind Việt Nam đà bày tỏ mối quan tâm và có kế hoạch rõ ràng để tham gia thị trường ĐGNK.
“Việc nội địa hóa một số thành phần khác như cánh quạt và vỏ bọc hiện vẫn còn nhiều thách thức, tuy nhiên nếu được đầu tư thỏa đáng, mục tiêu sản xuất trong nước của các thành phần này vào năm 2035 là hoàn toàn khả thi”, ông Ricardo Felici tin tưởng.
Để đáp ứng các mục tiêu phát triển ngành ĐGNK của Việt Nam, Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị chiến lược bao gồm cải thiện khung chính sách và thể chế; các khoản đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng cảng, nâng cấp quy mô sản xuất của nhà cung cấp, xây dựng một danh mục dự án rõ ràng; hợp tác với các trường Đại học để phát triển kỹ năng và tăng cường hợp tác quốc tế. Ngoài ra, Báo cáo cũng khuyến nghị thành lập 2 trung tâm năng lượng tái tạo liên vùng ở miền Bắc và miền Nam vào năm 2030, đóng vai trò là trung tâm sản xuất, nghiên cứu và khu công nghiệp xanh.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam - bà Hilde Solbakken bày tỏ vinh dự được công bố Báo cáo này, trong bối cảnh Na Uy tự hào về quan hệ hợp tác giữa hai nước và Bộ Công Thương trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
“Với tư cách là đối tác song phương đồng thời là thành viên của JETP, Na Uy hy vọng đây sẽ là một Báo cáo hữu ích, có thể hỗ trợ Việt Nam và Bộ Công Thương trong việc thiết kế lộ trình phát triển ngành công nghiệp ĐGNK, cũng như chuỗi cung ứng trong nước cho ngành này. ĐGNK sẽ là lĩnh vực mở ra những cơ hội hợp tác mới cho các công ty Na Uy cũng như Việt Nam”, bà Hilde Solbakken khẳng định.
Đánh giá cao Báo cáo và cho rằng đây là nguồn thông tin quan trọng cho Chính phủ và Bộ Công Thương, trong việc lập kế hoạch phát triển ĐGNK, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh tiềm năng của Việt Nam trong việc tận dụng kinh nghiệm từ ngành dầu khí để phát triển chuỗi cung ứng trong nước, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí.
“Báo cáo đã nêu ra các bước cần thực hiện để phát triển một chuỗi cung ứng toàn diện, vận hành tốt phục vụ cho ngành ĐGNK giàu tiềm năng của Việt Nam. Báo cáo cũng đã làm sáng tỏ một số nhận định, đồng thời cung cấp các điều kiện pháp lý cho dự án, trong khi Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng Luật Điện lực sửa đổi, trong đó có các chương, mục liên quan đến ĐGNK. Khi Luật này được Quốc hội thông qua, sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc cho đầu tư, vận hành ĐGNK với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bộ Công Thương sẽ xây dựng các văn bản dưới luật, đó sẽ là điều kiện hợp tác rất tốt, phù hợp với khả năng của hai bên”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long chỉ rõ.
Thị trường ĐGNK Việt Nam được đánh giá đầy hứa hẹn, với tốc độ gió cao hàng đầu thế giới và điều kiện đáy biển thuận lợi. Cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng điện gió trên bờ và gần bờ hiện có, chuỗi cung ứng hiện đang phục vụ cho ngành dầu khí trong nước là những điều kiện thuận lợi và tiềm năng có thể hồ trợ phát triển ngành ĐGNK của Việt Nam.
Việc các thị trường quốc tế gần đây đặt mua những những bộ phận trong cấu trúc ĐGNK từ Việt Nam, là những tín hiệu tích cực về sự khởi đầu đầy hứa hẹn, đưa Việt Nam trở thành 1 trung tâm của chuỗi cung ứng cho ĐGNK trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.