Năm 2013, Miền Trung được mùa vì làn sóng FDI mới

VOV.VN -Khu vực này thu hút được 850 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký gần 25,5 tỷ USD, chiếm gần 12% vốn FDI của cả nước.

Năm 2013, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn nhưng kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở nước ta đã có những tín hiệu khả quan. Riêng tại các tỉnh miền Trung, một loạt các dự án lớn mang tính đột phá của các nhà đầu tư nước ngoài đã mở ra nhiều cơ hội mới cho vùng đất nghèo khó này.

Đầu năm Quý Tỵ, tỉnh Bình Định cấp phép cho Công ty TNHH Bus Idustrial Center của Cộng hòa Liên bang Nga, xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất phụ tùng xe ô tô buýt và các dịch vụ hỗ trợ với vốn đăng ký 1 tỷ USD.

Đến giữa năm 2013, Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, một dự án hợp tác giữa Vương quốc Anh và Liên bang Nga tại tỉnh Phú Yên được điều chỉnh nâng vốn đầu tư từ 1,7 tỷ USD lên 3,18 tỷ USD. Ngay sau đó, siêu dự án “tổ hợp lọc hóa dầu” của Tập đoàn PTT Thái Lan dự kiến quy mô đầu tư khoảng 27 tỷ USD cũng được Chính phủ cho phép lập dự án tại tỉnh Bình Định.

Dự án lọc hóa dầu tại khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) -ảnh: VNE

Nếu thành công, đây sẽ là một trong những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất, giúp miền Trung (Việt Nam) trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút FDI cả nước.

Gần cuối năm, tỉnh Quảng Ngãi sôi động cùng sự kiện Lễ khởi công Dự án Khu Liên hợp Công nghiệp – Đô thị và Dịch vụ VSIP - Quảng Ngãi, trao giấy chứng nhận đầu tư cho 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ông Bong Jin Cho, Tổng Giám đốc Công ty Doosan vina bộc bạch: “Gần 5 năm đầu tư ở Quảng Ngãi chúng tôi đã đầu tư đúng với chiến lược và tính toán của mình”.

Năm 2013, các tỉnh miền Trung đã cấp phép 66 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 1,5 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2012 về số vốn đăng ký. Như vậy, đến thời điểm này, khu vực miền Trung đã thu hút được 850 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 25,5 tỷ USD, chiếm gần 12% vốn FDI của cả nước.

Thành phố Đà Nẵng là địa phương gặt hái nhiều thành công trong xúc tiến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp lớn từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc, đã tìm đến đây đầu tư lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng cho biết: kinh nghiệm của Đà Nẵng là thành lập Văn phòng đại diện của UBND thành phố tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản để quảng bá hình ảnh, tiềm năng của thành phố, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư. Nhờ đó, các nhà đầu tư Nhật Bản đến Đà Nẵng chiếm số lượng lớn nhất tại các tỉnh miền Trung và lớn nhất trong số các dự án FDI tại Đà Nẵng. Ông Lâm Quang Minh nói: “Chúng tôi liên kết với 1 đơn vị nghiên cứu ở Tokyo, họ hỗ trợ chúng tôi trong công tác quảng bá. Kinh nghiệm nữa là họ đi từ các dự án vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, sau đó nhà đầu  tư lớn sẽ vào sau. Đối với những nhà đầu tư vào ở đây, chúng tôi giúp họ. Khi nhà đầu tư mới đến, họ sẽ hỏi những nhà đầu tư cũ, những nhà đầu tư làm ăn hiệu quả sẽ giúp mình xúc tiến đầu tư”.

Với các tỉnh miền Trung, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng đều tương đối giống nhau. Những năm gần đây, các địa phương này liên kết trong xúc tiến đầu tư. Sự kiện Diễn đàn xúc tiến đầu tư miền Trung diễn ra hằng năm, cùng những hội thảo về liên kết vùng được tổ chức thường xuyên đã giúp lãnh đạo các địa phương có cơ hội ngồi với nhau để trao đổi, phân tích và phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. Mới đây, 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Trị phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư miền Trung và Đại sứ quán nước ta tại Thái Lan tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại vào miền Trung, thu hút đông đảo các nhà đầu tư Thái Lan và doanh nghiệp nước ngoài tại Thái Lan tham gia. Đến nay, mỗi tỉnh, thành đã xác định rõ từng lĩnh vực thu hút đầu tư phù hợp với địa phương mình. Như Đà Nẵng tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, tài chính; 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế ưu tiên phát triển du lịch; Quảng Ngãi là công nghiệp nặng, còn Bình Định và Phú Yên xác định kêu gọi đầu tư vào lọc hóa dầu. Nét mới ở các tỉnh miền Trung là tạo dựng được môi trường thân thiện, chăm sóc nhà đầu tư ngày một tốt hơn.

Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: công tác xúc tiến đầu tư ngày càng chuyên nghiệp hơn, lãnh đạo tỉnh trực tiếp tham gia các diễn đàn xúc tiến đầu tư: “Tỉnh chúng tôi đã, đang và sẽ luôn sát cánh và hỗ trợ cho nhà đầu tư với tinh thần là coi công việc của nhà đầu tư là chính công việc của chúng tôi. Khó khăn của nhà đầu tư là khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi và cùng nhau tháo gỡ một cách kịp thời”.

Đến nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào các tỉnh miền Trung đã đóng góp 6% tổng sản phẩm xã hội của khu vực và giải quyết việc làm cho 66.000 lao động. Liên kết thu hút đầu tư được các địa phương xem là khâu đột phá trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách và tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: “Ngay trong năm 2014 và những năm tiếp, chúng ta sẽ phải tạo ra khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác ngoài nhà nước tham gia vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tham gia vào phát triển kinh tế. Tư nhân ở đây không có nghĩa là tư nhân trong nước mà còn cả tư nhân nước ngoài, không phân biệt thành phần kinh tế FDI, thành phần kinh tế trong nước. Họ mang tiền đăng ký tại Việt Nam, tạo sản phẩm phục vụ cho đất nước Việt Nam và xuất khẩu ra nước ngoài, họ đóng góp về thu hút lao động, đóng góp thuế, giải quyết việc làm và họ mang khoa học công nghệ đến”.

Sau 3 năm trầm lắng bởi những khó khăn chung, các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu quay lại với miền Trung. Một một làn sóng FDI mới mang theo nhiều hứa hẹn tốt đẹp. Dải đất nghèo miền Trung đang nâng niu cơ hội này để cùng các nhà đầu tư biến những tiềm năng, lợi thế trở thành sức mạnh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thu hút vốn FDI đạt 19,2 tỷ USD
Thu hút vốn FDI đạt 19,2 tỷ USD

VOV.VN - FDI đăng ký tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 14,9 tỷ USD, ngành sản xuất và phân phối điện…

Thu hút vốn FDI đạt 19,2 tỷ USD

Thu hút vốn FDI đạt 19,2 tỷ USD

VOV.VN - FDI đăng ký tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 14,9 tỷ USD, ngành sản xuất và phân phối điện…

FDI vào miền Trung đạt gần 25,5 tỷ USD
FDI vào miền Trung đạt gần 25,5 tỷ USD

Năm 2013, các tỉnh miền Trung thu hút thêm 66 dự án FDI nâng tổng số vốn vào khu vực này lên gần 25,5 tỷ USD. 

FDI vào miền Trung đạt gần 25,5 tỷ USD

FDI vào miền Trung đạt gần 25,5 tỷ USD

Năm 2013, các tỉnh miền Trung thu hút thêm 66 dự án FDI nâng tổng số vốn vào khu vực này lên gần 25,5 tỷ USD. 

Thu hút FDI ở ĐBSCL: Cần cam kết mạnh về môi trường đầu tư
Thu hút FDI ở ĐBSCL: Cần cam kết mạnh về môi trường đầu tư

VOV.VN -Cần xây dựng hình ảnh một ĐBSCL năng động, tích cực với lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng.

Thu hút FDI ở ĐBSCL: Cần cam kết mạnh về môi trường đầu tư

Thu hút FDI ở ĐBSCL: Cần cam kết mạnh về môi trường đầu tư

VOV.VN -Cần xây dựng hình ảnh một ĐBSCL năng động, tích cực với lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng.

Thêm 66 dự án FDI đã đầu tư vào miền Trung
Thêm 66 dự án FDI đã đầu tư vào miền Trung

VOV.VN - Tính đến nay, các tỉnh miền Trung đã thu hút được 850 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn gần 25,5 tỷ USD.

Thêm 66 dự án FDI đã đầu tư vào miền Trung

Thêm 66 dự án FDI đã đầu tư vào miền Trung

VOV.VN - Tính đến nay, các tỉnh miền Trung đã thu hút được 850 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn gần 25,5 tỷ USD.

Năm 2013 vốn FDI đăng ký sẽ vượt mức 20 tỉ USD
Năm 2013 vốn FDI đăng ký sẽ vượt mức 20 tỉ USD

Hầu hết vốn FDI đều đổ vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản chiếm tỉ lệ rất nhỏ.

Năm 2013 vốn FDI đăng ký sẽ vượt mức 20 tỉ USD

Năm 2013 vốn FDI đăng ký sẽ vượt mức 20 tỉ USD

Hầu hết vốn FDI đều đổ vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản chiếm tỉ lệ rất nhỏ.