Năm 2020 đạt mục tiêu 30 tỷ USD qua khu kinh tế cửa khẩu
VOV.VN - Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 14 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 16 tỷ USD.
Trong Đề án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nêu rõ: Phát triển kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu gắn với việc xây dựng và phát triển mối quan hệ chính trị hữu nghị, ổn định, bền vững giữa nước ta với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia. Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước qua các khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK).
Theo đó, Đề án hướng mục tiêu đến năm 2020 cả nước sẽ quy hoạch 26 KKTCK, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách để xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng và mô hình tổ chức quản lý, cơ chế chính sách cho một số KKTCK hoạt động có hiệu quả cao, đảm bảo an ninh trật tự, kiềm chế, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, các hoạt động vị phạm pháp luật liên quan đến KKTCK.
Tà Lùng là 1 trong 3 KKTCK sẽ được sáp nhập thành KKTCK Cao Bằng. |
Đề án hướng phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu đạt khoảng 30 tỷ USD, với tốc độ tăng bình quân khoảng 12,3 %/năm. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 14 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 16 tỷ USD. Đến năm 2030, kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu đạt khoảng 50 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 22 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 28 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Đề án dự kiến đến năm 2020, thông qua các KKTCK, Việt Nam sẽ đón khoảng 16,5 triệu lượt khách xuất, nhập cảnh đi các nước láng giềng. Trong đó, khách từ Việt Nam đi các nước láng giềng khoảng 8,5 triệu lượt và khách từ các nước vào Việt Nam khoảng 8 triệu lượt.
Đáng chú ý, Đề án quy định trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ không bổ sung thêm các KKTCK vào quy hoạch, đồng thời chưa xem xét thành lập mới các KKTCK đã có trong quy hoạch phát triển các KKTCK của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25/4/2008.
Theo Quyết định mới phê duyệt, Đề án sẽ sáp nhập 3 KKTCK là Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang thuộc tỉnh Cao Bằng đã được áp dụng cơ chế, chính sách theo Quyết định số 83/2002/QĐ-TTg ngày 26/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ thành KKTCK tỉnh Cao Bằng để tạo thuận lợi trong quản lý và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm đúng tiêu chí và điều kiện “bao gồm các đơn vị hành chính liền kề, không tách biệt về không gian” theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ.
Trong giai đoạn 2021-2030, chỉ xem xét thành lập các KKTCK đã có trong quy hoạch phát triển các KKTCK của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25/4/2008 khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật.
Quyết định nêu rõ, sẽ lựa chọn một số KKTCK để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong từng giai đoạn theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Theo đó, trong giai đoạn từ nay đến 2015, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đối với nhóm 8 KKTCK đã được lựa chọn để tập trung đầu tư tại văn bản số 2074/TTg-KTTH ngày 7/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ với mức hỗ trợ tối thiểu 70% tổng nguồn vốn trong kế hoạch hằng năm hỗ trợ cho các KKTCK.
Giai đoạn sau 2015, đánh giá, xếp loại các KKTCKtheo các tiêu chí và điều kiện được phê duyệt để lựa chọn, tập trung đầu tư. Đối với các KKTCK không được lựa chọn, tập trung đầu tư ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần để hoàn thiện một số công trình hạ tầng thiết yếu đang thực hiện. Các địa phương chủ động huy động các nguồn vốn và hình thức đầu tư để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng của KKTCK được thành lập tại địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương đối với đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KKTCK theo các giải đoạn 5 năm theo các quy định của pháp luật. Đồng thời là đầu mối theo dõi quá trình triển khai Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phú các vấn đề vướng mắc.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 30/8/2013. Các nội dung không điều chỉnh tại Quyết định này được tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ./.