Nâng cao năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

(VOV) -Việt Nam - Thụy Sỹ vừa ký Hiệp định hợp tác nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu cho các Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam


Thừa ủy quyền của Chính phủ hai nước Thụy Sỹ và Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam, ông Andrej Motyl đã tiến hành ký kết Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Thụy Sỹ và Việt Nam về chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương”.

Chương trình do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ được thực hiện trong 04 năm với tổng kinh phí 3.890.570 USD.

Cơ quan quản lý chương trình là Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) là đơn vị chủ trì thực hiện theo phương thức Quốc gia điều hành (NEX).

Mục tiêu chung của Chương trình lần này là nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của DNNVV Việt Nam, qua đó thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu và phát triển các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam thông qua hệ thống XTTM trên phạm vi toàn quốc.

Chương trình sẽ được triển khai tầm quốc gia, tập trung vào một số tỉnh/thành phố được lựa chọn theo các tiêu chí như năng lực xúc tiến thương mại, tiềm năng phát triển xuất khẩu bền vững và nằm trong ba vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam.

Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, ông Andrej Motyl, đã ca ngợi việc hợp tác giữa hai Chính phủ về xúc tiến thương mại và nâng cao năng lực trong hơn một thập kỷ qua như một minh chứng cho cam kết kiên định và lâu dài giữa hai bên.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng và những thách thức của DNNVV Việt Nam “Bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì các DNNVV đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, nếu thiếu lực lượng này nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính phủ nên dành nhiều sự quan tâm hơn nữa cho DNNVV. Thực tế, với đóng góp gần 50% vào GDP nhưng mức đóng góp vào giá trị xuất khẩu chỉ đạt khoảng 10% cho thấy nhiều tiềm năng của DNVVN chưa được khai thác”.

Ngài Đại sứ chia sẻ “Các DNNVV Thụy Sỹ với sự linh hoạt và sáng tạo thường được coi là xương sống của nền kinh tế. DNNVV thường có sự thích ứng với hoàn cảnh nhanh, khả năng tự phục hồi mạnh mẽ trong những thời điểm khủng hoảng và là khu vực đảm bảo tỉ lệ có việc làm cao cho lực lượng lao động”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Việt Nam đang thực hiện bước ngoặt để tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung cấp toàn cầu với các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao cả về hàng hoá và dịch vụ, trong đó, cùng với các ngành kinh tế khác, vai trò của các DNNVV ngày càng khẳng định vị thế quan trọng của mình. Hy vọng những vấn đề do các DNNVV đặt ra trong quá trình tăng cường sự tham gia của họ vào phát triển xuất khẩu của đất nước sẽ được giải đáp thông qua chương trình do SECO tài trợ. Nó không chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến xuất khẩu của DNNVV Việt Nam mà còn xem xét những khó khăn mà các doanh nghiệp địa phương đang gặp phải và sự phát triển của họ ở cả cấp quốc gia và địa phương.”

Thụy Sỹ, thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), đã hỗ trợ phát triển bền vững kinh tế Việt Nam từ năm 1993. Trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia mới cho Việt Nam giai đoạn 2013-2016, SECO đã tái khẳng định về một cam kết hỗ trợ lâu dài Việt Nam nhằm đạt được sự tăng trưởng toàn diện và bền vững. Kết quả sẽ được thể hiện thông qua mức sống và chất lượng cuộc sống cao hơn, đóng góp vào chương trình nghị sự về cải cách kinh tế.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên