Nâng cao vị thế nông nghiệp làm trụ đỡ
VOV.VN - Tái cấu trúc nông nghiệp đang được đặt ra với mục tiêu tạo ra một nền nông nghiệp phát triển bền vững, giá trị cao.
Hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đang thực hiện chính sách: Tự túc lương thực một phần hoặc toàn bộ. Chính vì vậy, quan niệm cho rằng, an ninh lương thực là làm ra càng nhiều lúa gạo không còn là sự lựa chọn chiến lược, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp được xem là “yêu cầu bắt buộc” của toàn vùng.
TS. Võ Hùng Dũng, Chủ tịch Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ phân tích: Nếu Việt Nam lựa chọn chiến lược vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao giá trị xuất khẩu thì sản xuất nông nghiệp trong nước phải nâng cao được phẩm chất lúa gạo. Bên cạnh đó cần sự thay đổi, nâng cấp cụm ngành lúa gạo; cải thiện sâu hơn trong khâu logictic để gia tăng năng lực cạnh tranh của lúa gạo. Có như vậy mới cơ bản làm cho sản xuất nông nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn.
Cơ giới hóa phải được đẩy mạnh trong sản xuất nông nghiệp. |
Hàng năm, ĐBSCL sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu, cung cấp 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, đặc biệt cung cấp đến 80% sản lượng tôm xuất khẩu, đóng góp khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tuy có tiềm năng, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại hạn chế, giá trị sản phẩm nông nghiệp chưa cao.
Báo cáo tổng kết năm qua của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã đánh giá, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực trong vùng như lúa gạo, cá tra, tôm, cây ăn trái… phát triển thiếu tính bền vững, sức cạnh tranh chưa cao; còn nhiều rủi ro do khó khăn về giá cả và thị trường.
Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các địa phương chưa thật sự chặt chẽ và đi vào chiều sâu. Chính vì vậy, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm giữ vững "trụ đỡ” của nền kinh tế cũng như tăng thu nhập thực tế cho người nông dân đã và đang được đặt ra một cách cấp thiết.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Ở ĐBSCL, một số địa phương cũng đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp riêng để triển khai nhằm mục tiêu vực dậy nền nông nghiệp, cải thiện đời sống của người dân.
Tại tỉnh Đồng Tháp - địa phương tiên phong đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của cả nước đã và đang khẩn trương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp sẽ tổ chức lại sản xuất theo định hướng thị trường, xây dựng chuỗi giá trị cho từng loại sản phẩm, gắn với tổ chức lại từng ngành hàng nông sản.
Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Đồng Tháp tái cơ cấu nông nghiệp dựa trên tư tưởng liên kết. Linh hồn của tái cơ cấu là hợp tác và liên kết, không quá đặt nặng vào quy mô sản xuất mà do thị trường điều chỉnh.
“Có thể năm nay làm nhiều, năm sau làm ít. Tuy nhiên, nhiều hay ít cũng phải dựa trên chuỗi liên kết như ngành hàng, người sản xuất với doanh nghiệp. Chúng tôi xem đây là cuộc cách mạng. Đã là cuộc cách mạng thì phải đương đầu với những khó khăn thử thách. Không phải mọi chuyện đều màu hồng với lộ trình được đặt ra trong khoảng 15 năm”, ông Hoan nói.
Trên nền đất lúa, người dân đã chuyển đổi sang trồng lan cấy mô cho thu nhập cao. |
Tại hội nghị bàn về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo diễn ra ở ĐBSCL mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ: “Tái cơ cấu lại nông nghiệp hay nói cách khác là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao hơn và bền vững hơn gắn với xây dựng nông thôn mới là đòi hỏi tất yếu của quá trình phát triển”.
Nhấn mạnh đến yếu tố nông nghiệp là nền tảng, là trục phát triển, là trụ đỡ trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân tích, trọng tâm của tái cơ cấu chính là tổ chức lại quy mô sản xuất nông nghiệp theo hướng hình thành chuỗi sản xuất và chuỗi tiêu thụ, gắn người nông dân với doanh nghiệp. Trong chuỗi sản xuất gắn người nông dân trong chuỗi tiêu thụ.
“Không cách nào khác, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta ngay trong nghị quyết Trung ương, tinh thần là phải khẩn trương tái cơ cấu lại nền nông nghiệp. Hướng tái cơ cấu là phải phát triển bền vững, hiệu quả, thu nhập của người nông dân tiếp tục được tăng lên, đời sống được cải thiện. Phải tái cơ cấu lại theo mục tiêu đó. Tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới – hai mục tiêu này phải có sự gắn bó với nhau”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.
Từ các giải pháp đồng bộ của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, có thể nói, từ sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, vựa lúa ĐBSCL đang phát triển đúng hướng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh xuất khẩu. Giờ đây, với những yêu cầu và nhiệm vụ mới, mục tiêu tái cấu trúc nông nghiệp đang được đặt ra với mục tiêu tạo ra một nền nông nghiệp phát triển bền vững, giá trị cao.
Quyết tâm chính trị và nguồn nhân lực, vật lực phục vụ cho cuộc “cách mạng mới trong nông nghiệp” đã sẵn sàng. Vấn đề là hành động quyết liệt và quyết liệt hơn nữa từ các bộ ngành và các địa phương. Có như thế, ĐBSCL mới có thể cùng cả nước đưa thế mạnh nông nghiệp lên một tầm cao mới để phục vụ cho sự ấm no, phồn thịnh./.