Nâng cấp Quốc lộ 19 qua Bình Định cần đảm bảo lợi ích người dân
VOV.VN - UBND tỉnh Bình Định tiếp tục kiến nghị Bộ GT-VT về việc xử lý cao độ nền đường của QL 19 thuộc dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, đoạn qua địa bàn xã Tây Giang, huyện Tây Sơn. Bởi việc nâng cấp nền đường qua xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định quá cao khiến nhà dân thấp hơn nhiều so với mặt đường.
Căn nhà của anh Bùi Thái Đoàn, trú thôn Tả Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định nằm sát Quốc lộ 19 và cách cầu Ba La khoảng 80m được sử dụng làm quán bán cơm. Năm ngoái, anh Đoàn được thông báo Quốc lộ 19 qua khu vực nhà mình sẽ nâng cấp, mở rộng. Khi nghe chủ trương mở rộng đường, anh Đoàn đã ủng hộ và nhận 30 triệu đồng tiền đền bù vật kiến trúc trước nhà. Thế nhưng, từ cuối năm 2022, đơn vị thi công đổ đất, san nền đường cao hơn ngôi nhà anh đến 2m.
Anh Bùi Thái Đoàn cho biết, đơn vị giải phóng mặt bằng, thi công và chủ đầu tư mù mờ trong việc thông tin chủ trương mở rộng Quốc lộ 19 đối với khu dân cư: “Công trình cầu chưa xây xong và đã đổ đất, bụi bặm, ô nhiễm môi trường, nhà như một cái nhà hoang. Người ta bảo mở rộng đường ra, chúng tôi hoan nghênh nhưng đâu nói chuyện dự án nâng nền. Bây giờ nhìn bản vẽ của Ban Quản lý dự án như thế này, nâng nền, nâng cầu, lừa chúng tôi. Tôi sống 30 năm nay đâu có lũ lụt gì đâu. Yêu cầu cải thiện cuộc sống cho chúng tôi như thế nào? Thứ hai nếu không hạ nền đường thì di dời chúng tôi đi chỗ khác.” Anh Đoàn đề nghị.
Tại khu vực cầu Bầu Sen và cầu Ba La, trên Quốc lộ 19 thuộc xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, dự án nâng cấp Quốc lộ 19 có cao trình thiết kế mặt cầu, đường đầu cầu cao hơn nhà dân 2 bên tuyến từ 1,2 mét - 4,1 mét, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của 36 hộ dân. Ông Nguyễn Ngọc Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, thuộc Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, cao trình thiết kế mặt cầu, đường đầu cầu trên Quốc lộ 19 được thực hiện theo quy chuẩn, quy định của Nhà nước.
Đối với cây cầu ở khu vực dự án đang thực hiện, Ban Quản lý dự án đã giao đơn vị tư vấn khảo sát và được phê duyệt. Cụ thể, xác suất ngập nước của cầu Ba La là 1%, nghĩa là 100 năm/lần, còn cầu Bầu Sen là khoảng 25 năm/lần. Nếu tính theo mức nước lũ như thế thì cao trình nước ngập có xác suất rất cao. Do vậy, nền đường dẫn lên cầu cũng phải nâng lên cho phù hợp.
Ông Nguyễn Ngọc Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên cho biết thêm, nền đường hiện tại đã hạ thấp tối thiểu đối với mực nước lũ đã khảo sát được trong vùng dự án: “Đường cũ của mình là đường cấp 4, nâng lên đường cấp 3 có nghĩa là tốc độ nhanh hơn từ 60km lên 80km/giờ. Đường cấp 4 hiện giờ có nhiều chỗ dốc rất cao, khi chuyển sang đường cấp 3 thì có nghĩa vị trí dốc cao phải đào sâu hoặc đắp lên để độ dốc đáp ứng được yêu cầu. Còn cầu thì tuân thủ theo thiết kế là cầu chung, cầu lớn phải tuân theo tần suất lũ 1%, cầu nhỏ là 4%. Tối ưu nhất là làm đường gom, hiện tại đã được cho phép làm đường gom 5m sẽ làm 5m và dĩ nhiên phải được sự đồng thuận của bà con.”
Tháng 1/2023, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Giao thông- Vận tải về việc xử lý cao độ nền đường của quốc lộ 19 thuộc dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, đoạn qua địa bàn xã Tây Giang, huyện Tây Sơn. Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư kiểm tra hồ sơ thiết kế, thực tế hiện trường về nội dung kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định, khẩn trương làm việc với các địa phương nơi dự án đi qua, tổ chức đối thoại, tuyên truyền, vận động người dân hiểu và đồng thuận với các giải pháp thiết kế để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của dự án.
Bộ Giao thông - Vận tải cũng yêu cầu Ban Quản lý Dự án 2 chỉ đạo tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát tổng thể hồ sơ thiết kế, đối chiếu thực tế thi công tại hiện trường, kịp thời phát hiện các bất cập, tổ chức khắc phục những tồn tại (nếu có). Bộ Giao thông - Vận tải cũng yêu cầu Ban Quản lý Dự án 2 rà soát, nghiên cứu thiết kế vuốt nối phù hợp tại các vị trí đường lên xuống, vị trí chênh cao nền đường nhằm tạo thuận lợi trong sinh hoạt, đảm bảo khả năng thoát nước và an toàn đối với người dân 2 bên đường.
Đầu tháng 3/2023 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định lại tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải sớm chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 điều chỉnh cao độ nền đường. Mới đây, UBND huyện Tây Sơn cùng đại diện Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông - Vận tải và Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Định tổ chức buổi đối thoại với người dân để tuyên truyền, giải thích một số nội dung kiến nghị, phản ánh liên quan đến việc thiết kế, thi công cầu Ba La, cầu Bầu Sen và một số bất cập khác đối với Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên.
Tại buổi đối thoại này, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Bình Định khẳng định, trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư chưa lấy ý kiến của Sở Giao thông - Vận tải Bình Định về việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19. Ông Nguyễn Văn Hòa đề nghị Ban Quản lý dự án 2, trên cơ sở giải pháp tổng thể đã thỏa thuận với người dân đối với vấn đề xử lý cầu Bà La và cầu Bầu Sen chỉ đạo đơn vị thiết kế đo đạc cụ thể, lên phương án thiết kế, có bản vẽ cụ thể và có số liệu giải phóng mặt bằng bổ sung ảnh hưởng cụ thể để công khai, thỏa thuận với người dân trước khi phê duyệt điều chỉnh.
“Mới ngày 2/3 đây, tỉnh tiếp tục kiến nghị về xử lý cao độ. Chính quyền vào cuộc và lắng nghe bức xúc của bà con và UBND huyện Tây Sơn nhưng thẩm quyền giải quyết ở đây là Bộ Giao thông - Vận tải chứ dự án của tỉnh chắc chắn xử lý lâu rồi. Sở Giao thông - Vận tải Bình Định sẽ tiếp tục kiến nghị một số nội dung giúp cho bà con để tạo ra một công trình làm sao ít ảnh hưởng nhất hoặc tạo sự đồng thuận cao nhất.” - ông Nguyễn Văn Hòa nói thêm./.