Nga thiệt hại gì sau khủng hoảng Ukraine?
VOV.VN - Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Kudrin dự báo, cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể khiến 160 tỷ USD tiền vốn chạy khỏi Nga.
Số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, khoảng 51 tỷ USD vốn đầu tư đã bị rút khỏi Nga trong quý I/2014. Đợt thoái vốn này chủ yếu là do các nhà đầu tư lo ngại trước căng thẳng tại Ukraine leo thang, khiến Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Trang web tài chính Quartz.com của Nga nhấn mạnh, số lượng vốn tháo chạy khỏi Nga trong quý I vừa qua là mức cao nhất kể từ quý IV/2008. Nga có thể hạn chế thiệt hại từ lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ lên tới 400 tỷ USD, song số liệu mới đây của Ngân hàng trung ương là một tín hiệu cho thấy điều tệ hại hơn sẽ xảy ra.
Bộ Phát triển Kinh tế Nga mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng của quốc gia này xuống còn dưới 1% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 2,5% đưa ra trước đó. Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng dự báo rằng kinh tế Nga sẽ suy giảm gần 2% trong năm nay, tương đương với sản lượng kinh tế thiệt hại khoảng 30 tỷ USD.
Việc chính phủ Nga gây áp lực Ukraine có thể sẽ gây phản tác dụng. Tập đoàn năng lượng quốc doanh Nga, Gazprom, mới đây đã tăng tới 80% giá khí đốt cho Ukraine và yêu cầu Kiev trả số tiền 11,4 tỷ USD từ việc mua khí đốt giá rẻ của Nga thời gian trước đây.
Tuy nhiên, giới quan sát nói rằng việc tăng giá có thể dẫn đến việc giảm sản lượng xuất khẩu khí đốt của Nga sang Ukraine do Kiev có thể đa dạng hóa nguồn nhập khẩu khí đốt từ các nhà cung cấp châu Âu. Trên thực tế, Đức đã bắt đầu cung cấp khí đốt cho Ukraine vào ngày 15/4.
Ngày 9/4 vừa qua, chính phủ Ukraine đã đáp trả hành động của Nga bằng cách tạm thời ngừng mua khí đốt của Nga, trong khi chờ giải quyết những tranh chấp xung quanh vấn đề giá cả.
Vị thế của Nga trên trường quốc tế ngày càng trở nên mong manh. Nga đã bị loại khỏi nhóm G-8 và tiến trình gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã bị trì hoãn. Trong diễn biến mới nhất, Đại hội đồng Nghị viện châu Âu đã tước quyền biểu quyết của Nga để phản đối sự can thiệp vào Ukraine.
Việc sáp nhập Crimea vào Nga cũng “ngốn” một khoản chi phí khá lớn đối với Moscow. Chính phủ Nga đã dành gần 7 tỷ USD viện trợ kinh tế cho Crimea trong năm nay, bao gồm chi cho nhiều khoản từ cơ sở hạ tầng đến tăng lương hưu cho người dân địa phương. Khoản chi này có thể được bù đắp bởi nguồn tài nguyên năng lượng và nhiều yếu tố khác, song đây vẫn là khoản chi lớn gây sức ép lên kinh tế Nga.
Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu phương Tây tiếp tục áp thêm lệnh trừng phạt đối với Nga. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gần đây đã cảnh báo có thể tăng cường lệnh trừng phạt đối với Nga sau căng thẳng tại miền Đông Ukraine. Ông Kerry cho biết, các lệnh trừng phạt tăng cường có thể đánh vào các ngành kinh tế quan trọng của Nga như năng lượng, ngân hàng và khai mỏ. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế của Nga trong dài hạn.
Mặc dù hiện nay Tổng thống Nga Putin đang nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân Nga, song nếu cuộc khủng hoảng ở Ukraine tiếp tục kéo dài, Nga sẽ phải hứng chịu những hậu quả lớn hơn về mặt kinh tế. Đến một thời điểm nào đó không xa, rất có thể điện Kremlin sẽ không thể tiếp tục phớt lờ cái giá khá đắt đi kèm với chính sách của họ./.