Ngân hàng TMCP Việt Á nợ xấu sau một năm tăng gần gấp 2 lần
VOV.VN - Hàng loạt sai phạm tại ngân hàng Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) như cho vay khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, phân loại nợ chưa đúng quy định, nợ xấu gia tăng... đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra.
Tại thời điểm 31/12/2017, tổng dư nợ cho vay của VietABank là 38.770 tỷ đồng, nợ xấu là 525,7 tỷ đồng, chiếm 1,36% tổng dư nợ. Đến thời điểm 30/6/2018, tổng dư nợ cho vay là 37.673 tỷ đồng, nợ xấu là 941 tỷ đồng (tăng 415,3 tỷ đồng) chiếm 2,5% tổng dư nợ, nếu tính cả bán nợ cho VAMC chưa xử lý thì tỷ lệ nợ xấu là 8,2% tương ứng 3.504 tỷ đồng.
Kiểm tra 14 hồ sơ cấp tín dụng với tổng dư nợ là 6.510 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ VietABank thẩm định, phê duyệt cho vay khi dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý, chủ đầu tư không đủ điều kiện thực hiện dự án (Công ty cổ phần Đầu tư PHD).
Việc thẩm định, xác định doanh thu, chi phí thực hiện dự án đầu tư không chính xác, thu thập không đầy đủ chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay với các khách hàng được cấp tín dụng là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hưng Thịnh Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư PHD.
VietABank cũng chưa phân loại nợ đúng quy định với Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và phát triển Nhà Vicoland, Công ty cổ phần Điện Bình Thủy Lâm Đồng. Theo quy định nợ của các khách hàng này phải chuyển sang nhóm 4 và 5 nhưng vẫn được ngân hàng giữ ở nhóm 1. Điều này không đúng quy định tại Thông tư 02 (năm 2013) và Thông tư 09 (năm 2014) của Ngân hàng Nhà nước.
Kiểm tra 10 khách hàng khác vay vốn của VietABank, với dư nợ 4.860 tỷ đồng, theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh ký với chủ đầu tư dự án.
Thanh tra Chính phủ đánh giá: “Ngân hàng TMCP Việt Á cho khách hàng vay góp vốn theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh ký với chủ đầu tư dự án, bản chất là giải ngân vốn cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, trong khi các dự án chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa đủ điều kiện huy động vốn; các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo quy định, vi phạm quy định về điều kiện vay vốn của Ngân hàng Nhà nước”.
2 khách hàng của VietABank đang còn dư nợ (thời điểm 10/10/2021) là Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển Nhà Vicoland, dư nợ 500 tỷ đồng, nợ nhóm 5 (dư nợ có khả năng mất vốn) và Công ty CP Đầu tư PHD, dư nợ 483 tỷ đồng, nợ nhóm 1.
Những sai phạm cụ thể trong cấp tín dụng cho doanh nghiệp và “sức khỏe” của doanh nghiệp được VietABank cấp tín dụng ra sao sẽ được VOV.VN tiếp tục thông tin.