Ngân hàng và doanh nghiệp vẫn khó tìm tiếng nói chung
(VOV) - Đại diện các doanh nghiệp đề nghị các ngân hàng giảm thêm lãi suất ở mức phổ biến 12 – 13%/năm.
Tại cuộc gặp gỡ giữa các hiệp hội ngành nghề và ngân hàng trên địa bàn TP HCM tổ chức cuối tuần qua, đại diện của Công ty Hóa chất tin học An Lộc, Công ty Minh Long Hưng và Công ty cổ phần May quốc tế Thắng Lợi cho biết, các doanh nghiệp lớn hiện khá dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng, với lãi suất 10 – 12%/năm, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa – những đối tượng đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn - lại rất khó tiếp cận vốn vay và nếu được vay thì phải chịu lãi suất rất cao, tới 18 – 21%/năm.
Các doanh nghiệp này cho rằng, lãi suất đầu vào đã được điều chỉnh giảm xuống, nhưng đầu ra hầu như không đổi. Chính ngân hàng được hưởng lợi từ việc giảm lãi suất, trong khi doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn do thiếu tài sản thế chấp.
Theo ông Huỳnh Văn Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hóc Môn (TP.HCM), năm 2013, các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc hoạch định kế hoạch kinh doanh, chủ yếu do thiếu vốn. Đơn cử, một doanh nghiệp trong Hội là Công ty Thực phẩm Bảo Long đang có dự án sản xuất nước cốt tinh từ gà ác, nhưng không thể triển khai do thiếu vốn.
Đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ TP.HCM cho biết, số doanh nghiệp trong Hội bị phá sản đã chiếm tới 20% và không ít doanh nghiệp khác đang bên bờ vực phá sản, do sức cầu thị trường khó khăn, khả năng tài chính cạn kiệt khi hàng tồn kho tăng. Vì thế, theo vị đại diện trên, cần sớm có giải pháp tháo gỡ về vốn để hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhấn mạnh khó khăn của lĩnh vực bất động sản, bà Nguyễn Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, nợ xấu trong lĩnh này đã lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp muốn phá sản cũng không dễ, vì vướng nợ ngân hàng.
Trong khi đó, các ngân hàng lại không thể phát mãi tài sản bất động sản mà các doanh nghiệp đã thế chấp, do trước đây, ngân hàng định giá cao, nên giờ không thể bán giá rẻ hơn, vì nếu bán dưới giá định giá trước đây, thì ngân hàng không thể thu hồi đủ vốn. Mặt khác, ngân hàng muốn phát mãi tài sản thế chấp bằng bất động sản trong bối cảnh hiện nay cũng rất khó, do thị trường đang đóng băng.
Theo bà Loan, để có thể tháo được nút thắt hiện nay và giảm nợ xấu bất động sản, lãi suất cần giảm thêm.
Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng cho rằng, để kích cầu thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp, lãi suất cho vay phải được ngân hàng điều chỉnh giảm thêm, với mức phổ biến 12 – 13%/năm, chứ không thể 16 – 17%/năm.
Trong khi đó, phía các ngân hàng thương mại cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã được nỗ lực cắt giảm đáng kể và rất khó có thể giảm thêm.
Trả lời những khúc mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM cho rằng, ngân hàng phải trả lãi suất huy động khá cao, ngoài ra còn đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc và các chi phí, nên lãi suất cho vay khó có thể giảm xuống mức 10%/năm như kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp./.