Ngân hàng xử lý nợ xấu, "bán tống bán tháo" vẫn ế

VOV.VN - Từ đầu năm, các ngân hàng tăng tốc rao bán các tài sản thế chấp để thu hồi nợ, nhất là khi nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm mạnh vì dịch Covid-19.

Tài sản rao bán cũng "thượng vàng hạ cám", từ những chiếc ô tô giá siêu rẻ chỉ vài chục triệu đến khách sạn hàng trăm tỷ đồng. Đáng chú ý, dù liên tục hạ giá tài sản nhưng ngân hàng muốn bán được cũng không dễ.

Ồ ạt thanh lý tài sản

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Bắc Ninh mới đây thông báo thanh lý tài sản cố định để thu hồi nợ. Tài sản mà chi nhánh này thanh lý là 2 chiếc xe ô tô nhãn hiệu Mitsubishi Pajero biển số 99K-4634 sản xuất 2005, đã qua sử dụng với giá khởi điểm 25,792 triệu đồng và chiếc Toyota HIACE 16 chỗ biển số 99K-2368 sản xuất năm 2001, đã qua sử dụng với giá 26,674 triệu đồng.

VietinBank cho biết giá khởi điểm trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng. Khách hàng trúng đấu giá tự chịu chi phí trong việc di dời, lưu trữ và chuyển quyền sở hữu sử dụng tài sản theo quy định.

Cùng thời điểm, VietinBank chi nhánh Thái Bình cũng có thông báo bán đấu giá 1 chiếc xe ô tô khách giường nằm 41 chỗ ngồi, sơn xanh, sản xuất 2008, nhãn hiệu Daewoo. Tài sản trên được thế chấp từ 2009, giá khởi điểm là 196,3 triệu đồng, chưa bao gồm các loại thuế.

Ngoài VietinBank, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thông báo đấu giá, thanh lý hàng loạt ô tô để thu hồi nợ vay. VPBank rao bán 2 chiếc xe tải thùng kín Changan SC1022DB4N/TK sản xuất năm với giá 61 triệu đồng và 67,5 triệu đồng. Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) rao bán 69 phương tiện vận tải. Trong đó, chiếc Chevrolet Spark Van được ngân hàng rao bán với giá từ 185-204 triệu đồng, Chevrolet Aveo giá 268 triệu đồng, chiếc Toyota Vios giá 360 triệu đồng, Kia Morning 2018 giá 330 triệu đồng,…

Trước đó, VIB rao bán 59 phương tiện vận tải, chủ yếu là ô tô dưới 9 chỗ các dòng Toyota Vios, Ford Transit, Toyota Innova, Honda City, Chevrolet Colorado, Mitsubishi Pajero, Peugeot,…

Ngoài xe hơi giá rẻ, các ngân hàng liên tục rao bán tài sản là đất nền, khách sạn với giá cả trăm tỷ đồng. VietinBank thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Trung tâm thương mại phức hợp Cần Thơ Center 3,23 ha với giá khởi điểm là 190 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 30 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất với diện tích đất hơn 5 ha tại huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình).

Ngân hàng BIDV cũng đấu giá tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node, huyện Nhà Bè (TP.HCM). Toàn bộ số nợ gốc, tiền lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá lên đến 4.063 tỷ đồng.

BIDV chi nhánh Gia Định cũng nhiều lần rao bán hàng chục căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên The Era Town, phường Phú Mỹ, Quận 7 (TP.HCM) với giá bán khởi điểm dao động 2,1 - 5,5 tỷ đồng/căn.

Tương tự, Ngân hàng SCB cũng rao bán trực tiếp 10 tài sản là bất động sản có giá trị thấp nhất từ vài tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.

Gần nhất, Sacombank rao bán quyền sử dụng hơn 6.300m2 đất tại quận Tân Phú (TP.HCM) của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản Tân Phong để thu hồi nợ. Theo thông báo, lô đất này có địa chỉ tại số 245/61B Hòa Bình, phường Hiệp Tân, giá khởi điểm là 355 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT).

Sacombank cũng rao bán quyền sử dụng đất và tài sản gắn liên với đất tại số 41-45 đường 281 Lý Thường Kiệt, Phường 15, Quận 11 (TP.HCM). Tài sản gắn liền với khu đất là khách sạn 9 tầng Ngân Kiều với tổng diện tích sử dụng hơn 4.000m2, giá khởi điểm cho tài sản này là 122 tỷ đồng.

Trong khi đó, Ngân hàng BIDV mới đây cũng thông báo bán đấu giá 834m2 quyền sử dụng trong mảnh đất có diện tích 2.832m2 tại số 2-4 phố Đội Nhân, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình (Hà Nội), giá khởi điểm 98 tỷ đồng.

Càng đấu càng ế

Điều đáng chú ý, dù bán giá thấp hơn nhiều so với thị trường nhưng nhiều tài sản thanh lý là bất động sản thanh lý vẫn ế ẩm. Nhiều bất động sản được ngân hàng đem ra đấu giá tới vài chục lần vẫn không thể bán được.

Tài sản là quyền sử dụng đất 52.976m2 tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (TP.HCM) thuộc sở hữu Công ty TNHH Xây dựng Tiến Thắng được Sacombank đấu giá đến 22 lần vẫn không ai mua. Hay một tài sản khác được nhà băng này bán đấu giá lần thứ 25 là quyền sử dụng đất tại 245/61B Hòa Bình, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú (TP.HCM) có diện tích 6.327m2.

Trong khi đó tài sản là 834m2 quyền sử dụng trong mảnh đất có diện tích 2.832m2 tại số 2-4 phố Đội Nhân, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình (Hà Nội) được BIDV giảm giá khởi điểm xuống 98 tỷ đồng. Trước đó, vào đầu tháng 7, khoản nợ này đã được BIDV bán đấu giá với giá khởi điểm hơn 100 tỷ đồng.

BIDV cũng tiếp tục giảm giá tài sản bảo đảm khoản nợ của Công ty cổ phần Thúy Đạt xuống còn 95 tỷ đồng sau 25 lần rao bán không thành công.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, thủ tục pháp lý quá phức tạp, vướng mắc nhiều khâu khiến cho hoạt động rao bán các tài sản bất động sản nợ xấu gặp nhiều trở ngại. Việc phát mại tài sản đảm bảo là bất động sản có giá trị lớn trong bối cảnh hiện nay sẽ càng khó hơn vì người mua cũng gặp khó khăn về tài chính.

Theo đại diện một ngân hàng, ngoài lý do nhiều tài sản lớn rất kén người mua, dịch Covid-19 diễn biến khó lường cũng là nguyên nhân khiến việc bán đấu giá tài sản thế chấp gần như “đứng hình”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng vọt trong quý 1
Nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng vọt trong quý 1

VOV.VN - Quý 1, nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng vọt. Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, do ảnh hưởng của đại dịch, nguy cơ nợ xấu sẽ tăng rất cao trong năm nay.

Nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng vọt trong quý 1

Nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng vọt trong quý 1

VOV.VN - Quý 1, nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng vọt. Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, do ảnh hưởng của đại dịch, nguy cơ nợ xấu sẽ tăng rất cao trong năm nay.

Covid-19 đang “phủ bóng đen” lên nợ xấu của các ngân hàng
Covid-19 đang “phủ bóng đen” lên nợ xấu của các ngân hàng

VOV.VN - Sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế thế giới và trong nước chao đảo, với các ngân hàng thì nguy cơ nợ xấu có nguy cơ gia tăng. 

Covid-19 đang “phủ bóng đen” lên nợ xấu của các ngân hàng

Covid-19 đang “phủ bóng đen” lên nợ xấu của các ngân hàng

VOV.VN - Sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế thế giới và trong nước chao đảo, với các ngân hàng thì nguy cơ nợ xấu có nguy cơ gia tăng. 

Nợ xấu tại TPHCM giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm nay
Nợ xấu tại TPHCM giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm nay

VOV.VN - Tỷ lệ nợ xấu ở TP.HCM hiện đã giảm còn hơn 1,5% tổng dư nợ, mức thấp nhất trong nhiều năm nay.

Nợ xấu tại TPHCM giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm nay

Nợ xấu tại TPHCM giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm nay

VOV.VN - Tỷ lệ nợ xấu ở TP.HCM hiện đã giảm còn hơn 1,5% tổng dư nợ, mức thấp nhất trong nhiều năm nay.