Ngân sách nào chịu nổi số lượng cấp trưởng, phó hiện nay?
VOV.VN - “Tôi nhẩm tính, bộ máy nhà nước với 139.000 cấp trưởng và cấp phó nhân lên mấy lần, ngân sách nào chịu nổi”- ĐB QH Trần Đình Nhã
Tiếp tục câu chuyện về “lạm phát cấp phó”, bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Đại biểu Trần Đình Nhã (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng: “Không chỉ lạm phát cấp phó mà hàm vụ trưởng, vụ phó cũng là vấn đề. Đã có cấp trưởng rồi, còn có hàm vụ trưởng nữa! Đấy là gì, có phải để đảm bảo công việc không hay để ăn thêm lương từ ngân sách, hay ban phát, nể nang nhau ban phát chức vụ, mà không tính đến khả năng ngân sách. Đó là điều đáng suy nghĩ”.
PV: Tuy nhiên, điều quan trọng, theo ông những người được giữ chức vụ ấy có đáp ứng công việc và mong dợi của nhân dân hay không?
Ông Trần Đình Nhã: Trong cơ quan nhà nước, cấp trưởng chịu trách nhiệm. Cấp phó chỉ là người giúp cấp trưởng. Nhưng kèm theo cấp phó là chức vụ phụ cấp, chế độ chính sách khác, không phải do cấp trưởng san sẻ mà là từ ngân sách. Nói chung, khi xin cấp phó người ta nêu lý do nhiệm vụ đòi hỏi, chế độ vùng miền cơ cấu… Thế kỷ 21 rồi mà có cấp phó miền Bắc rồi thì phải có cấp phó miền Nam, có thành phần dân tộc này phải có dân tộc kia... Đấy là ban phát.
PV: Nhưng khi xảy ra trách nhiệm lại chưa thấy cấp trưởng, cấp phó nào từ chức?
Ông Trần Đình Nhã: Có thể có người chạy lên cấp phó hay cấp trưởng, nhưng thực tế người ta muốn có cấp phó đỡ mình, cũng có khi nhân tiện thì xin đề đề bạt vì nể nang ông này ông kia.
Nhiều nước rất hạn chế cấp phó, người ta một thứ trưởng cũng phải đưa ra Quốc hội bàn xem có cần thiết không. Nhưng mình chưa có quy định, thực ra chỉ có 1 quy định đối với các Ủy ban nhân dân. Cho nên cứ ang áng. Tiêu cực thì chưa phát hiện, nhưng cũng có thể là có người chạy vào cấp phó, hay cấp trưởng thì có. Nhưng chạy thêm chỉ tiêu cấp phó nữa thì chắc là cũng không nhiều, mà do lãnh đạo dễ dãi.
Trong cơ quan nhà nước đôi khi phó làm nhưng trưởng phải chịu. Có khi Thứ trưởng ký thay Bộ trưởng nhưng Bộ trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm. Cho nên Luật cần ghi rõ, cấp phó cũng phải chịu trách nhiệm. Ví dụ, Thứ trưởng ký phải nhân danh thứ trưởng chứ không phải ký thay Bộ trưởng. Nếu được thế thì rất tốt, còn ký thay thì trách nhiệm không rõ.
PV: Ví dụ, TP Hà Nội hiện có 7 cấp phó, ông bình luận gì?
Ông Trần Đình Nhã: Lý do vừa rồi có luân chuyển, để đào tạo cán bộ. Nhưng đã có nghị định quy định cấp phó của Hà Nội rồi mà chưa sửa nghị định này thì không ổn. Hà Nội theo quy định 107 là không quá 5 cấp phó, nay tăng lên 7 thì không biết có văn bản nào quy định không? Có thể có cấp cao hơn quy định chăng?
PV: Xin cảm ơn ông!/.