Ngành dệt may Việt Nam tăng cơ hội khi thuế xuất khẩu giảm mạnh
VOV.VN - Dệt may là ngành công nghiệp truyền thống và định hướng quy hoạch đến 2030 tiếp tục là ngành có tốc độ tăng trưởng cao.
Ngày 27/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Bông Sợi phối hợp với Công ty Quốc tế ECV tổ chức Diễn đàn Dệt May Việt Nam lần thứ IV-năm 2018.
Diễn đàn Dệt May Việt Nam lần thứ IV-năm 2018. |
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam đã có đột phá trong năm 2017 với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Tốc độ tăng trưởng nhanh này dự kiến tiếp tục duy trì trong năm 2018 với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,34 tỷ USD.
Ngoài việc ổn định các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam cũng đã phát triển thêm các thị trường xuất khẩu mới nổi như, Trung Quốc, Nga và Campuchia.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, mặc dù không có TPP nhưng các Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs) mới mà Việt Nam đã ký và đang đàm phán sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành dệt may Việt Nam. Trong giai đoạn 2018-2022, thuế xuất khẩu của một số sản phẩm sẽ giảm xuống mức 0%, tạo nhiều cơ hội mới cho việc gia tăng giá trị xuất khẩu và thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, chi phí lao động cạnh tranh và các chính sách ưu đãi trong nước tiếp tục giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư dệt may trong những năm gần đây. Tuy vậy, Việt Nam vẫn phải tiếp tục hoàn thiện để duy trì cạnh tranh với các nước xuất khẩu như: Bangladesh, Sri Lanka, Myanmar và Campuchia.
Theo TS Trần Du Lịch, dệt may là ngành có tác động lan toả rất lớn trong nền kinh tế Việt Nam: “Dệt may là ngành công nghiệp truyền thống và định hướng quy hoạch đến 2030 tiếp tục là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, trong 5 năm tăng trưởng 13-14% và sẽ tăng gấp 10 lần trong giai đoạn tiếp theo. Như vậy, từ năm 2030 dệt may sẽ là ngành có tốc độ tăng trưởng cao tạo cú hích cho phát triển, nhất là công nghiệp dịch vụ”.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, ông Lịch cho rằng, chính sách của Chính phủ, sự hỗ trợ của Nhà nước có vai trò quan trọng. Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ”, “sản phụ” là các doanh nghiệp. Nếu “đỡ” tốt thì mẹ tròn con vuông. Việt Nam có chính sách đào tạo nghề nhưng lâu nay không hiệu quả, cần hỗ trợ đào tạo nghề để không vi phạm các nguyên tắc của WTO.
Ngoài ra, cần khuyến khích huy động cổ phiếu và trái phiếu trên thị trường để giảm chi phí trung gian, vì 80% là vốn của doanh nghiệp. Đặc biệt khuyến khích liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa khi Luật cho đối tượng này vừa ban hành để tạo chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp./.
Hàng dệt may Việt Nam vào Australia có thể tăng mạnh với CPTPP