Ngành lúa gạo phải thoát khỏi “tư duy mùa vụ và thương vụ”
VOV.VN - Ngoài việc xử lý tình huống cho mỗi mùa vụ, cần xác lập tầm nhìn dài hạn hơn đối với một ngành hàng có tác động đến hàng triệu nông dân trồng lúa.
Sau khi loạt bài “Thích ứng “kép” để sản xuất, tiệu thụ lúa gạo bền vững ở ĐBSCL” của VOV, đã có nhiều ý kiến phân tích đặt ra đối với sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở “vựa lúa” quốc gia. Trong đó, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng ngoài việc xử lý tình huống cho mỗi mùa vụ, cần xác lập tầm nhìn dài hạn hơn đối với một ngành hàng có tác động đến hàng triệu nông dân trồng lúa. Trong đó, phải thoát khỏi “tư duy mùa vụ và thương vụ” để kiến tạo một chiến lược dài hạn hơn cho ngành hàng mang tính chủ lực của ĐBSCL.
Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp |
PV: Thưa ông, trong thời gian quan, thực trạng giải cứu lúa gạo, hay điệp khúc “trúng mùa mất giá” hay thị trường đầu ra của lúa gạo gặp nhiều khó khăn... cứ lặp đi lặp lại trong từng mùa vụ. Theo ông, có phải ngành nông nghiệp đang thiếu một chiến lược mang tính dài hạn?
Ông Lê Minh Hoan: Có lẽ là vậy. Thật ra thì bản chất thị trường không phải riêng ngành hàng lúa gạo mà tất cả các nông sản khác và cả ở những quốc gia khác đều là những câu chuyện khó. Ngay cả câu chuyện lúa gạo của nước ta là trăm người bán vạn người mua, có nước xuất khẩu, có nước nhập khẩu; có nước vừa xuất và vừa nhập. Cùng với đó xu thế thị trường thay đổi rất là nhiều. Vì vậy, dẫu sao có một chiến lược tương đối bài bản, căn cơ, có tầm nhìn thì nó sẽ giảm thiểu đi những rủi ro.
Sự bất trắc của thị trường nhiều khi bản chất của câu chuyện mà chúng ta hay nói là về giá cả đầu ra là đầu ra chúng ta không quyết định được thì chúng ta phải quyết định được đầu vào, đó là chi phí sản xuất, là chất lượng sản phẩm. Bản thân 2 vấn đề này là chiến lược của lúa gạo cũng như những ngành hàng nông sản khác. Làm sao giảm chi phí xuống, làm sao nâng chất lượng lên. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới là tạo ra cái thương hiệu được. Bản chất thương hiệu không phải là giá cao mà đó là tạo ra niềm tin thị trường, dẫn dắt người sản xuất và doanh nghiệp cùng nhìn về một hướng.
Từ đó, chúng ta xây dựng thị trường từ những nhà nhập khẩu từ những quốc gia mà chúng ta đang xuất khẩu. Tôi nghĩ rằng hơn lúc nào hết, để triển khai được nghị quyết 120 của Chính phủ thì chúng ta cần một chiến lược cho từng ngành hàng nông sản. Chúng ta không thể gộp lại tất cả các ngành hàng thủy sản, lúa gạo hay cây ăn quả. Bởi mỗi ngành có tính đặc thù.
PV: Trong phát biểu của mình thì ông có đề cập vấn đề để hợp tác phát triển bền vững đối với ngành hàng lúa gạo thì hợp tác xã (HTX) sẽ là một trong những giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp. Ông có thể phân tích rõ hơn cách thức này?
Ông Lê Minh Hoan: Chúng ta hay nói về liên kết nhưng mà tôi không nghĩ rằng một doanh nghiệp mà liên kết với hàng trăm hay hàng ngàn nông dân trên cánh đồng. Họ phải có đại diện của những người nông dân, đó chính là HTX. HTX không chỉ là người đứng ra đại diện liên kết mà là mắc xích quan trọng để gắn kết giữa từng kinh tế hộ với doanh nghiệp. Thứ 2 nữa như tôi phân tích, sản xuất chi phí cao và chất lượng hàng nông sản kém. Thì như vậy từng kinh tế hộ, từng hộ gia đình không thay đổi được việc này. Bởi sản xuất nhỏ, chi phí cao, đó là quy luật.
Giá của lúa gạo là đầu ra không quyết định được nhưng chúng ta phải quyết định được đầu vào. |
Sản xuất càng lớn, chi phí càng giảm. Lợi thế HTX là mua chung, bán chung, tổ chức các hoạt động dịch vụ chung. Hình như chúng ta chưa đặt vị thế của HTX nông nghiệp ở một mức độ xem như một cứu cánh của tái cơ cấu nông nghiệp, dẫn dắt người nông dân. Doanh nghiệp thì không thể nào đến gõ cửa từng hộ được hết. Nhà khoa học muốn truyền đạt một quy trình sản xuất cũng không thể đến từng hộ được. Tất cả phải thông qua HTX.
PV: Một chiến lược dài hạn thì không thể thực thi khi tư duy mùa vụ của nông dân và tư duy thương vụ của doanh nghiệp vẫn còn tồn tại. Ông phân tích điểm nghẽn này như thế nào?
Ông Lê Minh Hoan: Đã gọi là dài hạn thì không thể nào mà mùa vụ với thương vụ được. Thật ra chúng ta phải phân tích sâu là nó có một sức ép: người nông dân bị sức ép mùa vụ, doanh nghiệp bị sức ép thương vụ. Người ta chỉ nghĩ được một đơn hàng sắp tới mà chưa nghe được doanh nghiệp nào nói 5 năm nữa chúng tôi sẽ xây dựng chuỗi ngành hàng như thế nào. Chừng nào doanh nghiệp thấy rằng việc xây dựng chuỗi ngành hàng là một chiến lược để nâng cao thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp thì lúc đó chúng ta mới thoát ra khỏi tư duy mùa vụ và thương vụ. Lúc đó mới dẫn dắt người nông dân thay đổi qua từng mùa vụ, không phải thay đổi ngay.
Nói vậy thôi chứ ít nhất một chiến lược dài hạn thoát qua tư duy thương vụ của doanh nghiệp, người nông dân người ta sẽ hướng vào đó để thấy rằng những doanh nghiệp đầu tư căn cơ, bài bản có những giải pháp xuyên suốt. Còn bây giờ đa phần nông dân mình đa phần mùa nào có thương lái tới, doanh nghiệp tới thì nghe theo người đó. Mùa sau thì lại khác hơn. Nó cứ lung tung như thế thì làm sao xây dựng được thương hiệu hạt gạo của chúng ta. Nó bị một sức ép mà tôi nghĩ rằng phải xây dựng chuỗi ngành hàng dựa trên niềm tin của từng đối tượng tham gia. Mà ở dây là niềm tin giữa người sản xuất, nông dân với doanh nghiệp.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Phát triển lúa gạo bền vững: Tầm nhìn mới cho ngành lúa gạo
Khai mạc Festival lúa gạo, công bố thương hiệu lúa gạo Việt Nam