Ngày mua sắm trực tuyến 2014 có gì hấp dẫn?
VOV.VN -
Bưu điện Việt Nam cùng một số đối tác ký kết các văn bản pháp lý về cung cấp dịch vụ, hợp tác tham gia “Ngày mua sắm trực tuyến 2014”.
Bưu điện Việt Nam cùng một số đối tác ký kết các văn bản pháp lý về cung cấp dịch vụ, hợp tác tham gia “Ngày mua sắm trực tuyến 2014”.
Hôm nay (17/10), tại Hà Nội, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Hội nghị giới thiệu toàn diện các giải pháp cho thương mại điện tử, thông tin về “Ngày mua sắm trực tuyến 2014” và các chính sách đồng hành của Bưu điện Việt Nam dành cho “Ngày mua sắm trực tuyến 2014”.
Đây là hội nghị thứ hai trong chuỗi các sự kiện do Bưu điện Việt Nam và VECOM phối hợp tổ chức để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam hưởng ứng “Ngày mua sắm trực tuyến 2014”.
Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11/5/2014. Mục tiêu của Chương trình là xây dựng các hạ tầng cơ bản và triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam, đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Ngày mua sắm trực tuyến 2014”
Với mục đích thu hút được các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan tham gia, tạo ra lợi ích cho người mua hàng trực tuyến khi được hưởng nhiều ưu đãi, khuyến mãi đồng loạt quy mô lớn, thông qua đó, tạo đòn bẩy cho trào lưu mua sắm trực tuyến trong xã hội, góp phần mở rộng thị trường thương mại điện tử, “Ngày mua sắm trực tuyến” sẽ trở thành sự kiện thường niên tại Việt Nam.
Tại Hội nghị này, Bưu điện Việt Nam với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ logistics 3PL giới thiệu chuỗi giải pháp toàn diện hỗ trợ các doanh nghiệp đã, đang và sắp tham gia kinh doanh thương mại điện tử, từ khâu trước bán hàng (pre-sale) đến bán hàng (sale) và hoạt động sau bán hàng (after-sale). Đối với chuyển phát, Bưu điện Việt Nam hỗ trợ phát hàng trên khắp toàn quốc, đến cả vùng sâu, vùng xa nhờ mạng lưới hơn 13.000 điểm phục vụ cùng mạng vận chuyển và mạng phát đến từng địa chỉ, từng hộ gia đình.
Thông tin chuyển phát được cập nhật thường xuyên để khách hàng theo dõi hành trình bưu gửi thông qua hệ thống GPS trên phương tiện vận chuyển và cổng chuyển phát thanh toán của Bưu điện Việt Nam. Giải pháp thanh toán của Bưu điện Việt Nam chủ yếu hỗ trợ thanh toán bằng tiền mặt nhờ mạng lưới phủ khắp toàn quốc. Người mua hàng có thể thanh toán cho người bán hàng qua Bưu điện Việt Nam tại bưu cục hoặc yêu cầu nhân viên Bưu điện đến thanh toán tại địa chỉ. Bưu điện Việt Nam cung cấp dịch vụ thanh toán theo mã hỗ trợ hoạt động thanh toán trước giao hàng sau bên cạnh dịch vụ truyền thống phát hàng thu tiền (COD). Các dịch vụ hỗ trợ trước bán hàng và sau bán hàng có thể kể đến như dịch vụ quảng cáo trọn gói, dịch vụ chăm sóc khách hàng, dịch vụ chuyển hoàn….
Tại hội nghị, Bưu điện Việt Nam cùng một số đối tác ký kết các văn bản pháp lý về cung cấp dịch vụ, hợp tác tham gia “Ngày mua sắm trực tuyến 2014” và nghiên cứu phát triển các dịch vụ tham gia thương mại điện tử. Thông qua hợp tác phát triển các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh trực tuyến, Bưu điện Việt Nam khẳng định vị trí và vai trò của mình, trở thành tác nhân quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam./.