Nghề nuôi hàu treo dây vùng cửa sông tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh
VOV.VN - Những năm gần đây, nghề nuôi hàu treo dây vùng cửa sông tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh trở thành mô hình kinh tế điển hình, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người nuôi trồng.
Về vùng cửa sông Chanh tại xã Liên Hòa (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) đâu đâu cũng thấy những tấm bè tre lớn nuôi hàu treo dây. Những chiếc bè làm bằng tre, gỗ lớn có diện tích hàng trăm m2 để nổi trên những thùng xốp. Mỗi cây tre được treo vô số những dây hàu lớn nhỏ khác nhau. Cứ một dây hàu như thế có tới 30 - 40 con hàu, nặng tầm 15 - 20kg.
Anh Vũ Đắc Quý, một người nuôi hàu ở đây cho biết: Gia đình anh có khoảng hơn 20 bè nuôi hàu. Mỗi bè hàu có diện tích khoảng 1.800 đến 2.000m2. Khi thu hoạch, mỗi bè hàu thương phẩm thu được từ 30 đến 50 tấn, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và thu về hơn 500 triệu đồng/ bè.
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vừa qua và đặc biệt hiện nay giá vật tư, xăng dầu leo thang, nguồn nhập con giống mới, áp dụng kỹ thuật nuôi nào cho phù hợp lại là bài toán khó, đòi hỏi người nuôi trồng phải có phương án phù hợp.
"Trước đây mình nuôi giống hàu từ Trung Quốc. Giá cả giống hàu Trung Quốc chuyển sang Việt Nam cao hơn. Thứ hai, khi cửa khẩu đóng lại, việc nhập con giống sang Việt Nam càng khó khăn hơn. Chính vì vậy tôi đã chuyển qua nuôi giống hàu Việt Nam", anh Quý nói.
Hiện nay, mỗi dây hàu giống của Trung Quốc có giá giao động từ 10.000 đến 15.000 đồng. Trong khi đó, hàu giống được sản xuất ở một số tỉnh như Nam Định, Ninh Bình...chỉ có giá từ 6.000 đến 10.000 đồng/1 dây, rẻ hơn khoảng một nửa mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt, giá hàu thương phẩm đầu ra vẫn giữ nguyên.
Hàu là loài động vật thân mềm hai vỏ, thức ăn chính của chúng là các sinh vật phù du, tảo đơn bào, chất hữu cơ lơ lửng trong nước. Người nuôi chỉ cần theo dõi và vệ sinh để hạn chế bị ốc và các sinh vật, đất bùn bám vào làm hàu chết hoặc chậm phát triển. Khi hàu lớn có thể tách ra thả vào lồng nuôi để tránh bị thất thoát do rơi xuống đáy bùn.
Anh Bùi Văn Mạnh, quản lý kỹ thuật nuôi hàu tại một số bè trên vùng cửa sông Chanh, Quảng Yên cho biết: Từ lúc nhỏ đến lúc xuất đi thành hàu thương phẩm mất khoảng 8 đến 16 tháng.
"Người nuôi hàu sẽ tốn nhiều chi phí cho phương tiện di chuyển đưa công nhân ra biển, chi phí đóng các bè, mua con giống... Thời gian mỗi vụ hàu phụ thuộc nhiều vào nguồn nước và kỹ thuật nuôi", anh Mạnh cho biết.
Kỹ thuật nuôi hàu đơn giản nhưng nếu không nắm được tập tính sinh sản theo mùa của hàu và không thường xuyên kiểm tra độ mặn của nước biển thì hàu sẽ dễ bị bệnh toàn bộ và chết. Khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau là thời điểm hàu sinh sản.
Nếu không có biện pháp di chuyển các bè nuôi hàu về nguồn nhiều nước ngọt hơn (độ mặn khoảng 10 đến15 PPT) thì hàu sẽ bỏ ăn và chết hàng loạt. Ước tính mỗi bè hàu nhiễm bệnh gây thiệt hại khoảng 80% sản lượng.
Mỗi lần di chuyển các bè hàu về nguồn nước ngọt mất khoảng 20 đến 50 km đường biển. Người nuôi hàu cửa sông thường sử dụng các tàu có tải trọng cao đồng nghĩa với việc sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí cho nhiên liệu.
Trong thời điểm giá xăng dầu liên tục lên như hiện nay, người nuôi hàu mong muốn các tiến bộ kỹ thuật sẽ được phát triển và lan rộng hơn đến bà con để tăng chất lượng sản phẩm, giảm áp lực về vận tải và hoạt động sản xuất./.