Nghi vấn 26.000 tấn thịt trâu “hô biến” thành thịt bò
Điều đáng nói là toàn bộ số thịt trâu trên được nhập khẩu hợp pháp, có giấy phép và được thông quan.
Vấn đề trên được ông Nguyễn Văn Cẩn- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389/QG đặt ra tại cuộc tọa đàm trực tuyến “Chống hàng giả: Cần sự quyết liệt của nhiều ngành” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 9/4.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, năm 2014, lượng thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ và một số nước khác vào Việt Nam qua tờ khai hải quan là trên 26.000 tấn. “Nhưng trên thị trường, các lực lượng chức năng và người tiêu dùng có thấy bán thịt trâu nhập khẩu không, hay khối lượng thịt trâu này đã được làm giả thành thịt bò để đưa vào thị trường tiêu thụ cũng như vào các bếp ăn tập thể?”- ông Nguyễn Văn Cẩn nói.
Trực tiếp tham gia xử lý vụ việc nêu trên, ông Hoàng Đại Nghĩa- Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 (Chi cục QLTT Hà Nội) cho biết, vụ việc đã được điều tra. Tuy nhiên, vụ việc cho thấy thủ đoạn mới tinh vi của các đối tượng vi phạm. “Toàn bộ số thịt trâu trên được nhập khẩu hợp pháp, có giấy phép và được thông quan. Song vấn đề nằm ở khâu tiêu thụ. Qua khảo sát người tiêu dùng, chúng tôi không nhận được phản ánh phát hiện về việc mua phải thịt trâu giả thịt bò”- ông Hoàng Đại Nghĩa cho hay.
Thống kê của Ban chỉ đạo 389/QG cho thấy, năm 2014 các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 21.645 vụ hàng giả, nhiều hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, so với thực trạng sản xuất, buôn bán hàng giả trên thị trường thì kết quả này chưa tương xứng.
Hàng giả xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, ngành hàng như: mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, mũ bảo hiểm, rượu- bia- nước giải khát… gây nhức nhối cho xã hội, khiến người dân hoang mang, ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp, làm thất thu thuế của Nhà nước. Trong thời kỳ hội nhập, tình trạng này làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, lực lượng chức năng các địa phương đóng vai trò quan trọng. Trong đó, ở các tuyến biên giới, lực lượng biên phòng, hải quan và cảnh sát biển giữ vai trò trọng yếu; trong nội địa, lực lượng QLTT, cảnh sát và thuế phải tiên phong. Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp cũng cần tham gia tích cực hơn vào cuộc chiến chống này, góp phần xây dựng thị trường lành mạnh, an toàn./.