Ngoại giao kinh tế: Doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, đại sứ quán là cầu nối

VOV.VN - Các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài đóng vai trò cầu nối, là “cánh tay nối dài” của các địa phương và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế, phục vụ phát triển.

Năm 2021 có ý nghĩa quan trọng vì là năm đầu tiên cả nước quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đến các năm 2025, 2030 và 2045.

Một trong những nội dung quan trọng về đối ngoại được Đại hội XIII thông qua là ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Để góp phần đưa chủ trương đúng đắn này của Đảng đi vào cuộc sống, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan đối ngoại, trong đó ngành Ngoại giao là nòng cốt.

Các cơ quan đại diện là cầu nối thúc đẩy hợp tác, đầu tư

Trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, công tác ngoại giao kinh tế càng được thúc đẩy tích cực. Các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài cũng đóng vai trò cầu nối, là “cánh tay nối dài” của các địa phương và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế, phục vụ phát triển.

Trao đổi bên lề Hội nghị ngoại giao lần thứ 30, Đại sứ Việt Nam tại Chile Phạm Trường Giang nhấn mạnh, nhiệm vụ của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không chỉ có phát triển quan hệ hữu nghị về chính trị và ngoại giao, mà còn nhiệm vụ rất quan trọng là kết nối doanh nghiệp 2 nước để phát triển quan hệ kinh tế thương mại.

Theo Đại sứ, năm 2020, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Chile đạt 1,2 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 900 triệu USD, nhập khẩu khoảng 300 triệu USD. Mặc dù có nhiều khó khăn do dịch Covid-19, khoảng cách địa lý tương đối xa, nhưng thương mại 2 chiều vẫn tăng. 9 tháng đầu năm 2021 cũng đạt hơn 1 tỷ USD. Một số mặt hàng mới của Việt Nam đã tiếp cận được thị trường Chile, và ngược lại quả cherry, rượu vang – những mặt hàng truyền thống của Chile cũng đã có mặt trên thị trường Việt Nam.

“Trong năm tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Phòng thương mại Việt Nam tại Chile thúc đẩy, tăng cường xuất khẩu giữa 2 nước. Vai trò của cơ quan đại diện là kết nối doanh nghiệp giữa 2 bên. Chúng tôi đã tổ chức các hội thảo, mời các doanh nghiệp Chile tới để giới thiệu về các thế mạnh của Việt Nam. Ngoài ra chúng tôi phối hợp với Phòng thương mại Chile tại Việt Nam định kỳ cung cấp thông tin về kinh tế nói chung của Việt Nam cũng như thông tin về doanh nghiệp Việt Nam, từ đó tích cực kết nối các doanh nghiệp giữa 2 nước”, Đại sứ Phạm Trường Giang thông tin.

Trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 có nhiều khó khăn, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ vẫn luôn cố gắng thúc đẩy hoạt động ngoại giao kinh tế, tăng cường kết nối. Theo Đại sứ Lê Linh Lan, rất nhiều tập đoàn lớn tại Thụy Sĩ quan tâm tới đầu tư vào Việt Nam. Năm 2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ đã thúc đẩy được một đoàn doanh nghiệp vào Việt Nam, vào TP.HCM, đoàn do nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Rosler dẫn đầu tới Việt Nam vào tháng 11/2020 đã gặp Thủ tướng Chính phủ khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc, cùng với quyết định đầu tư 350 triệu USD vào lĩnh vực du lịch, công nghệ và y tế.

Tiếp nối thành công đó, tháng 9 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ đã hoàn tất thủ tục bổ nhiệm ông Philipp Rosler làm lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sĩ. Là công dân Đức, người gốc Việt, hiện đang sinh sống và làm việc tại Zurich, Thụy Sĩ, ông Rosler đã cam kết xây dựng cầu nối mới kết nối doanh nghiệp châu Âu với Việt Nam, doanh nghiệp cộng đồng nói tiếng Đức ở Thụy Sĩ, Áo, Đức… Đây là điểm triển vọng mở ra hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Sĩ.

Tham mưu, khuyến nghị cho các địa phương

Bên cạnh vai trò cầu nối, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài còn đóng vai trò tham mưu, khuyến nghị cho các doanh nghiệp địa phương có cách tiếp cận phù hợp.

Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu Nguyễn Văn Thảo cho biết, EU với 27 thành viên là đối tác và Hợp tác toàn diện của Việt Nam. Các địa phương Việt Nam có thể hợp tác về tất cả các mặt, trong đó kinh tế là lĩnh vực trọng tâm.

Khuyến nghị về hợp tác với EU, Đại sứ cho rằng, các địa phương cần có chiến lược và cách tiếp cận bài bản, cụ thể. Theo đó, muốn thúc đẩy thương mại và đầu tư với EU, địa phương cần xác định thế mạnh, sản phẩm chủ lực của mình… Các bộ, ngành cần giúp các địa phương sau khi xây dựng được sản phẩm, lĩnh vực đầu tư, cần có kế hoạch tổng thể, bài bản, nêu rõ điểm mạnh, từng bước triển khai, đầu tư thích đáng về con người, trí tuệ, kinh phí. Khi triển khai, cần có tầm nhìn dài hạn.

Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, Việt Nam có 15 cơ quan đại diện tại EU. Đây là cánh tay nối dài của các địa phương. Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, các địa phương cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan đại diện của Việt Nam tại EU. Không chỉ vậy, các cơ quan đại diện của EU tại Việt Nam cũng là đầu mối mà các địa phương có thể bám sát để thúc đẩy hợp tác. Một trong những kênh hợp tác quan trọng khác là hơn 1.000 doanh nghiệp lớn của EU đã và đang làm ăn ở Việt Nam. Đây là những người đã hiểu Việt Nam, đã làm ăn với Việt Nam và rất dễ để tiếp cận, mở rộng hợp tác của các địa phương với EU.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc hỗ trợ kết nối các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với nước ngoài cũng như vai trò cầu nối của đại sứ quán trong kinh tế đối ngoại, Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long cho biết, ông đã dành nhiều thời gian thăm các địa phương ở nước sở tại để tìm hiểu thông tin, tiềm năng hợp tác.

“Nước Anh bao gồm 4 xứ: Vương quốc Anh, Scotland, Bắc Ireland và xứ Wales. Mỗi xứ đều có những thế mạnh riêng, đặc biệt là những thế mạnh mà Việt Nam có thể tranh thủ, đó là thế mạnh về kinh tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa và du lịch. Đây là 5 lĩnh vực mà các địa phương của Việt Nam thực sự có nhu cầu. Thời gian tới trên cơ sở các cuộc làm việc tiếp xúc, hiểu rõ được tiềm năng thế mạnh của 2 bên, chúng tôi sẽ phối hợp với các đối tác, địa phương, doanh nghiệp Anh-Việt Nam để xây dựng những chương trình hợp tác cụ thể để thúc đẩy quan hệ trong 5 lĩnh vực trên”, Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long thông tin.

Các doanh nghiệp địa phương cần chủ động vươn ra bên ngoài

Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc, các địa phương, doanh nghiệp cũng cần phải chủ động vươn ra bên ngoài, chủ động nêu yêu cầu với các cơ quan đại diện, gỡ bỏ gỡ bỏ tâm lý chờ bên ngoài tìm đến với mình.

Tiềm năng của các địa phương Việt Nam rất lớn, mỗi địa phương đều có thế mạnh. Vấn đề ở đây là làm thế nào để địa phương kết nối với địa phương?

“Đây là cuộc cạnh tranh quyết liệt khi rất nhiều đối tác từ các nước khác đều muốn vào thị trường Mỹ. Mình cần chủ động với họ và thuyết phục họ khi họ có rất nhiều lựa chọn. Sự chủ động của địa phương và doanh nghiệp là nhân tố quyết định thành công trong thời kỳ cạnh tranh quyết liệt này. Chính quyền Trung ương, các cơ quan đại diện đóng vai trò hỗ trợ, nhưng chỉ khi các địa phương đi vào hợp tác với nhau thì mới tạo nền tảng vững chắc. Việc thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương sẽ là xu thế tới đây cần được thúc đẩy nhiều hơn”, Đại sứ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đối ngoại địa phương góp phần quan trọng vào hội nhập và phát triển
Đối ngoại địa phương góp phần quan trọng vào hội nhập và phát triển

VOV.VN - Công tác ngoại giao địa phương gắn với sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương sẽ mang đến hiệu quả thiết thực, thúc đẩy phát triển toàn diện, đồng thời là động lực giúp các địa phương hoàn thành mục tiêu phát triển và hội nhập.

Đối ngoại địa phương góp phần quan trọng vào hội nhập và phát triển

Đối ngoại địa phương góp phần quan trọng vào hội nhập và phát triển

VOV.VN - Công tác ngoại giao địa phương gắn với sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương sẽ mang đến hiệu quả thiết thực, thúc đẩy phát triển toàn diện, đồng thời là động lực giúp các địa phương hoàn thành mục tiêu phát triển và hội nhập.

Tìm cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài
Tìm cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài

VOV.VN - Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, sáng 10/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp với chủ đề “Triển khai Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ - Giải pháp và hành động”.

Tìm cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài

Tìm cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài

VOV.VN - Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, sáng 10/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp với chủ đề “Triển khai Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ - Giải pháp và hành động”.

Muốn chinh phục thị trường Anh, phải chú trọng chất lượng và chuẩn bị bài bản
Muốn chinh phục thị trường Anh, phải chú trọng chất lượng và chuẩn bị bài bản

VOV.VN - Trao đổi bên lề Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cho biết, sau khi rời EU, Anh đẩy mạnh hợp tác với nhiều thị trường, đặc biệt là các thị trưởng mới nổi. Điều này cũng đem lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Muốn chinh phục thị trường Anh, phải chú trọng chất lượng và chuẩn bị bài bản

Muốn chinh phục thị trường Anh, phải chú trọng chất lượng và chuẩn bị bài bản

VOV.VN - Trao đổi bên lề Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long cho biết, sau khi rời EU, Anh đẩy mạnh hợp tác với nhiều thị trường, đặc biệt là các thị trưởng mới nổi. Điều này cũng đem lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.