Ngư dân ở Bà Rịa – Vũng Tàu có trục lợi từ chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ?
VOV.VN - Lợi dụng chính sách hỗ trợ tiền dầu từ Quyết định 48, nhiều chủ phương tiện tàu cá có hành vi trục lợi bất chính, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện.
Sau 10 năm triển khai áp dụng thực hiện hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân đánh bắt xa bờ theo Quyết định 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều ngư dân ở Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng rất khó tiếp cận nguồn hỗ trợ này do quy định chồng chéo. Mặt khác, lợi dụng chính sách này nhiều chủ phương tiện tàu cá trục lợi bất chính, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện.
Quy định gây khó cho ngư dân
Ông Nguyễn Đình Luyến, chủ tàu cá đánh bắt xa bờ ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc chia sẻ, theo Quyết định 48/2010 của Chính phủ, tàu cá đánh bắt xa bờ được nhà nước cấp máy VX- 1.700 để nhắn tin về trạm bờ vị trí tàu đang khai thác. Đến năm 2019, khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu (EC) bắt buộc tàu cá từ 15 mét trở lên phải gắn thêm thiết bị giám sát hành trình để biết được tàu đang ở đâu, tàu đánh bắt vùng nào, có xâm phạm vùng biển nước ngoài hay không. Vấn đề này rất bất cập cho ngư dân hành nghề trên biển. Ông Luyến bức xúc, nếu một trong 2 máy trên bị hỏng hóc hay bị trục trặc, nhắn tin về bờ không được thì coi như ngư dân không tuân thủ quy định, không được hỗ trợ tiền dầu.
“Theo tôi Quyết định 48 đã có máy giám sát hành trình nhắn tin về trạm đất liền bình thường và ở nhà đã có cơ quan chức năng theo dõi, khi tàu chạy ở đâu trong trạm bờ biết hết. Thế nhưng lại bắt ngư dân phải có 2 máy kết hợp, để mất 1 cái cũng không được nên cần xem lại quy định tại Quyết định 48, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi kiếm sống, mang về nguồn thu cho đất nước”, ông Luyến mong muốn.
Còn ông Nguyễn Thành Trung, ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc cho biết, trong năm 2021 tàu ông đánh 4 chuyến biển tại vị trí quy định của cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu. Tuy nhiên đến chuyến cuối cùng, tàu của ông có nhận 1 máy nhắn tin của tàu bạn gửi về bờ sửa chữa. Khi phát hiện tàu nhận chuyển máy nhắn tin giùm, tức là trên tàu có 2 máy nhắn tin, cơ quan chức năng đã huỷ hỗ trợ cả 3 chuyến biển trước đó.
Theo đó, ông Trung đã mất 300 triệu hỗ trợ tiền dầu (theo quy định tàu ông Trung được hỗ trợ 100 triệu đồng/chuyến) nên kiến nghị, nếu ngư dân sai phạm lần đầu thì có thể nhắc nhở hoặc sai chuyến nào cắt hỗ trợ chuyến đó, không thể cắt hết các khoản hỗ trợ.
“Tôi đi biển 4 chuyến nhưng chuyến thứ tư anh em vì tình người trên biển giúp nhau nhận máy gửi về bờ, bây giờ cắt hết tiền hỗ trợ thì lương cho bạn thuyền, tiền dầu phải hẹn lại không trả được. Nếu ngư dân vi phạm điều gì thì Sở NN&PTNT nên nhắc nhở hoặc xử phạt theo từng sai phạm, không nên làm khó ngư dân mọi thủ tục hoàn thiện, đóng dấu bị loại ra rất tội cho ngư dân”, ông Trung đề xuất.
Ngư dân có trục lợi chính sách hay không?
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 2011 - 2021, qua 10 năm triển khai thực hiện hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Quyết định 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh có 2.715 lượt tàu cá đăng ký thực hiện và được nhận hỗ trợ gần 768 tỷ đồng tiền dầu.
Ông Nguyễn Hoàng Vân, cán bộ Thuỷ sản phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu cho biết, mỗi năm có gần 100 tàu xa bờ của địa phương đăng ký hỗ trợ theo Quyết định 48 đều được chính quyền xét duyệt, đủ điều kiện mới được tham gia đánh bắt. Tàu không đủ điều kiện nhận hỗ trợ thì địa phương sẽ loại ngay từ đầu.
“Theo Quyết định 48 của Chính Phủ, tàu nào có đánh bắt vùng khơi thì đăng ký, một năm tàu nào đủ thì 3 chuyến còn không đủ chỉ 2 chuyến. Sau 1 năm nếu thực hiện đầy đủ thủ tục sẽ được nhận tiền vào đầu năm kế tiếp. Theo quy định, sau khi hoàn thiện các thủ tục chủ tàu sẽ được làm quyết toán, địa phương ra quyết định bao nhiêu tiền khi đó ngư dân mới được nhận tiền”, ông Vân giải thích.
Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ quy định, các tàu hành nghề ở vùng khơi như câu, lưới rê, vây và dịch vụ hậu cần nghề cá được đăng ký nhận hỗ trợ tiền dầu. Mỗi năm, tàu cá có công suất từ 90– 700 CV trở lên tham gia đánh bắt xa bờ được Nhà nước hỗ trợ tối đa 4 chuyến biển, với số tiền hỗ trợ từ 22 - 100 triệu đồng/chuyến.
Tuy nhiên, lợi dụng sự lỏng lẻo của Quyết định 48, nhiều chủ tàu cá ở Bà Rịa– Vũng Tàu đã trục lợi để hưởng hỗ trợ của nhà nước. Cụ thể, nhiều tàu không tham gia đánh bắt tại toạ độ nhắn tin theo quy định, nhưng lại gửi máy cho tàu bạn để nhắn tin giúp. Số tiền nhận hỗ trợ sẽ được chia theo tỷ lệ thoả thuận giữa hai tàu.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu cho biết, qua theo dõi từ trạm bờ, trong năm 2020, đã có gần 20 tàu cá của các địa phương thực hiện hành vi gửi máy để hưởng lợi. Chi cục đã gửi hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý.
Ông Hoàng cho biết thêm, mặc dù thiết bị giám sát hành trình không quy định tại Quyết định 48 nhưng hầu hết ngư dân vẫn gửi cùng máy VX-1.700 cho tàu bạn mang ra khơi. Ngoài ra, còn có tình trạng chủ tàu gắn biển kiểm soát giả để ra khơi nhằm trục lợi chính sách từ Quyết định 48.
“Chúng tôi căn cứ trên tin nhắn và thiết bị giám sát hành trình để giám sát. Tuy nhiên, qua giám sát thấy rằng 2 máy nhắn tin vẫn có thể gom lại 1 cục để gửi cho 1 tàu khác. Ví dụ, ông A đang đi mà ông B, ông C chồng lên thì chứng tỏ là ôm một đống máy ra ngoài biển nhắn tin. Còn có trường hợp, tàu anh mang số 1234 bị hư nằm bờ, nhưng ngư dân mượn tàu khác vẽ số 1234 để ra khơi. Những trường hợp này phía công an cũng đã thụ lý hồ sơ”, ông Hoàng dẫn chứng.
Để hạn chế tiến đến dứt điểm tình trạng ngư dân trục lợi chính sách từ Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển, khoanh vùng các chủ tàu cá có dấu hiệu vi phạm để giám sát đặc biệt và xử lý mạnh. Trường hợp chủ phương tiện nào cố tình vi phạm sẽ chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật./.