Người bán vé số dạo tại TP.HCM ngóng chờ ngày được phép bán trở lại
VOV.VN - Sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, nhiều hoạt động kinh doanh đã bắt đầu khôi phục nhưng người bán vé số dạo vẫn chưa được hành nghề.
Dù thành phố vẫn chưa cho phép nhưng nhiều người đã đi bán trở lại để có tiền trang trải cuộc sống sau một thời gian dài không có thu nhập.
Nhận 150 tờ vé số từ đại lý, ông Trần Hoàng Huy Phong (68 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chỉ mong có thể bán hết để về nhà trọ trước 23 giờ. Rời Cần Thơ lên TP.HCM mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo gần 20 năm nay, đợt dịch vừa qua, ông Phong sống dựa vào sự giúp đỡ của chủ trọ và nguồn thực phẩm từ các nhà hảo tâm. Thế nhưng, thời gian giãn cách kéo dài, các nguồn hỗ trợ cũng có hạn nên ông phải dùng tiền vốn mua vé số để chi tiêu. Gom góp được vài trăm ngàn, một tuần nay, ông nhận vé số về bán dạo quanh Quận 1, vé còn thừa sẽ trả đại lý vào sáng hôm sau,. Không có thu nhập nhiều tháng, ông Phong chỉ có thể quay lại nghề vé số để có thể lo cho bản thân.
Còn chị Ngọc Thanh (32 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) có phần vất vả hơn khi bán vé số là công việc chính để có thu nhập lo cho đứa con vừa tròn 3 tuổi. Vừa qua, chị được thành phố hỗ trợ 1 triệu đồng nhưng hai mẹ con khó có thể gắng gượng thêm nếu không đi làm trở lại. Chị Thanh đã nợ 2 tháng tiền nhà nên chỉ mong bán hết 200 tờ vé số mỗi ngày để tiếp tục có nơi ở. Hiện, các quán ăn mới rục rịch mở bán tại chỗ, các quán nhậu chưa có khách nên hai mẹ con dắt díu nhau đi bán dạo, có hôm ngồi tại một góc đường để người dân ghé mua.
Đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, chị Thanh mong chờ được sớm đi bán trở lại như trước: “Nếu cho bán vé số lại thì tôi bán lai rai cũng đủ kiếm sống qua ngày được rồi. Giờ bán cũng ít lời, mỗi ngày được 150 ngàn đồng mà còn đóng tiền nhà, tiền mua sữa cho con".
Chiếc xe đạp cà tàng là phương tiện để mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo của ông Nguyễn Văn Hoàng (68 tuổi, ngụ Quận 3) và cháu trai sau dịch. Trước đây, cuộc sống của hai ông cháu không quá chật vật khi ông bán vé số, cháu phụ việc ở quán cơm. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, quán cơm đóng cửa nên hai ông cháu phải xoay sở thêm việc để có thu nhập.
Buổi sáng, cháu đạp xe đi lượm ve chai, chiều tối ông lại dắt xe ra đường Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh) để bán vé số. Trước kia, ông Hoàng đi bán dạo cả ngày được khoảng 150 tờ vé số, nay chỉ bán buổi tối nên số lượng giảm một nửa, trong khi tiền nhà trọ, chi phí ăn uống tằn tiện cũng trên 3 triệu đồng mỗi tháng.
Gánh nặng mưu sinh khiến ông Hoàng mệt mỏi: “Tiền lời bán vé số thì cất để trả tiền nhà, còn lại lo chi phí ăn uống. Hôm nào không có tiền thì ông cháu tôi ăn rau luộc qua ngày. Chỉ mong dịch bệnh hết để được đi bán tự do, thoải mái, không cần suy nghĩ về dịch. Như vậy đời sống cũng nhẹ hơn”.
Khi các hàng quán đã được mở cửa phục vụ khách ăn uống tại chỗ, những người bán vé số dạo cũng rất hi vọng thành phố sớm cho phép họ được hoạt động trở lại như trước đây để có thu nhập trang trải cuộc sống, phần nào giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội./.