Người dân còn e ngại khi sử dụng gạch không nung
VOV.VN - Đầu tư vốn nhiều, nhưng hiện nay, thị trường tiêu thụ gạch không nung ở Yên Bái còn hạn chế, đặc biệt là trong các công trình xây dựng của người dân.
Thực hiện Quyết định 1469 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Yên Bái đã tích cực vào cuộc xóa bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, thay vào đó là phát triển gạch không nung để đáp ứng nhu cầu thị trường xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ gạch không nung ở Yên Bái còn hạn chế, đặc biệt là trong các công trình xây dựng của người dân.
Năm 2016, Công ty cổ phần sản xuất Vật liệu và Xây dựng công trình Tài Đức ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đầu tư trên 14 tỷ đồng mua máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất gạch không nung, công suất 13 triệu viên/năm.
Hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang sản xuất 2 loại gạch xi măng cốt liệu là gạch đặc và gạch có lỗ. Cả hai loại gạch này được kiểm đỉnh và đánh giá đáp ứng tiêu chuẩn quy định của Bộ Xây dựng. |
Đây là loại vật liệu xây dựng mới, được đánh giá có nhiều ưu điểm so với gạch nung truyền thống như: Thân thiện với môi trường; vật liệu cấu thành từ bột đá và xi măng nên ấm vào mùa đông, mát về mùa hè, chống thấm tốt, tiết kiệm vữa xây…
Tuy nhiên, sau gần 4 năm hoạt động, hiện nhà máy mới chỉ hoạt động khoảng 35% công suất và thường xuyên tồn dư lượng gạch trị giá trên dưới 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trung Khoảng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sản xuất Vật liệu và Xây dựng công trình Tài Đức cho biết: "Công ty thường xuyên có chính sách bán gạch ưu đãi cho đoàn viên công đoàn và các hộ nghèo ở vùng lân cận; Thứ hai là cho chịu về tài chính; Thứ ba là thiết kế không lấy kinh phí cho bà con sử dụng gạch không nung".
Còn Công ty TNHH Vĩnh Thành ở huyện Yên Bình, năm 2015 cũng đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng bến bãi và nhà xưởng sản xuất gạch không nung theo chủ trương của tỉnh Yên Bái. Nhà máy có công suất 5 triệu viên/năm. Do đây là loại vật liệu xây dựng mới, ngay từ đầu Công ty đã có nhiều cách để giới thiệu sản phẩm, khuyến khích người tiêu dùng như: Giảm giá thành, giúp vận chuyển, tư vấn kỹ thuật xây dựng, cung cấp các chỉ số tiêu chuẩn để người dân yên tâm… Tuy nhiên, hiện nhà máy cũng chỉ hoạt động được nửa công suất, và thị trường chủ yếu vẫn là các công trình sử dụng ngân sách nhà nước.
Do thói quen và còn nghi ngờ về chất lượng nên người dân Yên Bái e ngại sử dụng gạch không nung. |
Ông Phạm Hữu Việt, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thành cho biết: "Gạch chúng tôi làm đã được cơ quan kiểm định, phân tích. Đối với gạch đặc độ Max là 100, gạch hai lỗ độ Max là 75 và có chứng chỉ được cơ quan kiểm đinh cấp phép, đảm bảo đưa ra thị trường sử dụng".
Mặc dù các nhà sản xuất đưa ra nhiều ưu điểm và giải pháp kích cầu, nhưng hiện các công trình xây dựng không sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đặc biệt là xây dựng nhà ở gần như vắng bóng gạch không nung. Một phần do người dân vẫn có thói quen dùng gạch truyền thống, phần vì còn lại e ngại về chất lượng và độ bền của loại gạch này.
Ông Nguyễn Ngọc Viên, một hộ dân đang làm nhà ở thành phố Yên Bái cho biết: "Tôi không biết rõ gạch tốt hay xấu nên không dám sử dụng. Bây giờ xây vẫn phải dùng gạch qua lửa, gạch nung. Vì xây nhà cửa có phải một lúc, một chốc làm được đâu".
Còn theo ông Nguyễn Văn Thu, một thợ xây lâu năm tại tỉnh Yên Bái thì, đối với thợ xây ít kinh nghiệm sẽ khó thao tác, kiểm soát tình hình hơn khi xây dựng đối với gạch không nung.
"Gạch đỏ khi xây lên tường độ biến dạng ít hơn vì nung rồi độ co ngót không như gạch không nung. Tôi hiểu nôm na là co ngót thì nó tách ra có các vết nên nhiều người không thích sử dụng, chứ không phải là gạch yếu" - ông Nguyễn Văn Thu cho biết.
Trước những e ngại của người dân, ông Nguyễn Lâm Thắng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 doanh nghiệp và 120 cơ sở sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu, sản lượng khoảng 88 triệu viên/năm. Qua kiểm định, đánh giá chất lượng gạch xi măng cốt liệu của Yên Bái đạt tiêu chuẩn; đáp ứng tốt các tiêu chí kỹ thuật, kết cấu, phương pháp thi công.
Việc sản xuất gạch không nung dùng động cơ điện nên giảm thiểu tố đa ô nhiễm môi trường. |
Theo ông Thắng: "Hầu hết các sản phẩm gạch không nung trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều được cơ quan chuyên môn cấp giấy chứng nhận hợp quy và sản phẩm gạch không nung của Yên Bái đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm khi đưa vật liệu không nung vào các công trình xây dựng công và tư nhân".
Thực hiện Quyết định số 1469 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Yên Bái đã tích cực thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Đến nay, toàn bộ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến trên địa bàn tỉnh đã chấm dứt hoạt động.
Do vậy, để đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn, Yên Bái đã ưu tiên phát triển sản suất gạch không nung để vừa bảo vệ môi trường, vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương. Tuy nhiên, ngoài có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, Yên Bái cũng cần có chính sách khuyến khích và tuyên truyền sâu rộng đến người dân về loại vật liệu mới nhiều ưu điểm này./.
Ảnh: Sản xuất gạch không nung giải phóng tro xỉ nhà máy nhiệt điện