Người phụ nữ miệt mài xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái
VOV.VN - Bà Bình được nhiều người biết đến sau những năm tháng miệt mài vun đắp, xây dựng và đưa thương hiệu chè Phổng Lái, Thuận Châu, Sơn La vươn ra thị trường trong và ngoài nước, mang lại việc làm, thu nhập cho hàng ngàn hộ nông dân.
Gắn bó với cây chè từ những ngày thơ ấu, bà Nguyễn Thị Bình, ở xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La hiểu rõ những khó khăn, vất vả của người trồng chè. Trải qua nhiều bước thăng trầm, đã có lúc tưởng chừng hụt hơi khi giá trị sản phầm chè xuống thấp, không tìm được đầu ra, cây chè có nguy cơ bị phá bỏ. Nhưng với niềm tin và nghị lực đã thôi thúc bà Bình bắt tay vào xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này.
“Là những người trồng chè, chúng tôi rất quan tâm đến cây chè. Đây là loại cây dù không làm giàu nhanh được nhưng lại chống đói nghèo cho bà con ở khu vực huyện Thuận Châu. Để giá cả ổn định và ngày càng nâng cao giá trị, bà con HTX cũng xác định cần phải có thương hiệu cho cây chè”, bà Bình chia sẻ.
Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, bà Bình hiểu rõ cần thiết phải xây dựng vùng nguyên liệu sạch, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, nhưng nếu một mình sẽ không thể làm được. Năm 2013, HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận đã ra đời. Suốt giai đoạn 2013-2019, bà Bình cùng đội ngũ cộng sự đã miệt mài xuống từng hộ, ra tận vườn chè vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn. Khó khăn có, thất bại có, thậm chí sản phẩm làm ra không bán được, nhưng bà Bình nhận ra rằng, sản phẩm làm ra không có thương hiệu giá bán sẽ không cao, lại càng khó chinh phục thị trường quốc tế.
“Để khách hàng đón nhận sản phẩm chè ngày càng nhiều hơn, HTX phải cố gắng từ khâu chăm sóc, thu hái đến chế biến đều phải lựa chọn và khâu an toàn thực phẩm phải đưa lên hàng đầu”, bà Bình tâm sự.
Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, bà Bình đã đi nhiều nơi, học hỏi nhiều mô hình và đặc biệt sản phẩm chè Phỏng Lái không bỏ sót một chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Sau nhiều nỗ lực, đến cuối năm 2019, thương hiệu "Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái Thuận Châu" đã được UBND tỉnh Sơn La chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Sản phẩm chè Trọng Nguyên được thị trường đón nhận và đánh giá cao. Mỗi năm hợp tác xã xuất khẩu sang thị trường Đài Loan từ 500-600 tấn chè khô, tiêu thụ trong nước khoảng 30-40 tấn chè Trọng Nguyên; đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng chè búp tươi của các thành viên hợp tác xã và các hộ dân liên kết.
Chị Trương Thị Vân, bản Quỳnh Tiên Hưng, xã Phổng Lái chia sẻ, từ khi gia đình liên kết với HTX cam kết với bà con sẽ bao tiêu sản phẩm và bình ổn giá cho bà con, đó là động lực để gia đình trồng và chăm sóc chè ngày càng tốt hơn.
Thành công từ việc xây dựng thương hiệu chè Trọng Nguyên – Phổng Lái, Thuận Châu, cá nhân bà Nguyễn Thị Bình và hợp tác xã Bình Thuận nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành. Bà Bình cũng chính là người có công lớn trong việc hình thành và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất chè ở địa phương.
Bà Nguyễn Thúy Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết, chị Bình là một trong những hội viên có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với hội viên nông dân trong toàn huyện. Chị chính là người đưa thương hiệu chè Phổng Lái lan tỏa, tạo được nhiều việc làm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của xã Phổng Lái nói riêng và Thuận Châu nói chung.
Từ chỗ xây dựng vùng nguyên liệu chè rộng lớn gắn với đẩy mạnh chế biến và bao tiêu sản phẩm, phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, cá nhân bà Nguyễn Thị Bình đã trở thành nhân tố tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương theo hướng bền vững.