Nguồn vốn của EVN đang có vấn đề
VOV.VN -Ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đưa ra nhận định này sáng 18/2.
Dự thảo Nghị định Ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa được công bố có quy định về việc EVN không được đầu tư vào một số lĩnh vực như bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…
Cụ thể theo Dự thảo, EVN không được góp vốn, phát hành trái phiếu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Mai Xuân Hùng (Ảnh: VnExpress) |
Liên quan đến vấn đề thoái vốn ngoài ngành này, tại cuộc họp báo của Kiểm toán Nhà nước sáng nay, ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: Việc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2015, các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước phải thoái hết vốn ngoài ngành là “một việc rất khó”.
Bởi theo phân tích của ông Hùng, vì trước đây, “khi thành lập tập đoàn, chúng ta đã chủ trương là đa ngành. Theo chủ trương này, các tập đoàn mới hoạt động theo hướng đa ngành như vậy. Nhưng trong nền kinh tế thị trường, các Tập đoàn, Tổng Công ty lại tập trung vào những việc có lợi trước mắt như đầu tư vào ngân hàng, bất động sản, chứng khoán...”
Chính vì thế, theo ông Hùng, khi ồ ạt thành lập các ngân hàng, trong đó có quy định rằng, trong các cổ đông sáng lập phải có 1 cổ đông chiến lược. Trong khi đó, ở nước ta, tầm cổ đông chiến lược không nhiều. Do vậy, các cổ đông chiến lược là các Tập đoàn Nhà nước được ưu đãi khi tham gia góp vốn sáng lập các ngân hàng này.
Sau đó, khi xảy ra khủng hoảng tài chính, cũng bắt đầu lộ ra nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư như vậy. Từ đó cũng “rút ra bài học là chúng ta phải làm, phải đi đúng chuyên môn của mình, không chộp giật. Bởi vì năng lực của Tập đoàn, Tổng Công ty ở nước ta chưa đủ để làm ồ ạt đa ngành, đa lĩnh vực. Nếu “yếu” mà lao vào làm nhiều lĩnh vực sẽ dẫn đến chộp giật lẫn nhau”- ông Hùng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh chung đó, bản thân nguồn vốn của EVN cũng có vấn đề. EVN không chỉ nợ ngân hàng mà còn nợ các công ty khác nhiều. Có thể nay mai lại tiếp tục phát hiện ra những vấn đề tương tự ở các tập đoàn khác. Vì vậy, năm 2014 vẫn phải kiên định với chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng hợp lý. Mục tiêu năm 2015 các tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành 100%, “có thể hơi chậm một chút nhưng về lộ trình tôi cho là vừa phải để uốn nắn lại” – ông Hùng nhận định.
Do đó, theo ông Hùng, việc giới hạn khu vực đầu tư cho EVN cũng là nhằm tập trung nguồn lực vào việc chính. Chủ trương phải thoái vốn ngoài ngành của các Tập đoàn, Tổng công ty là một hướng đúng đắn./.