Nhận diện sức bật cho kinh tế Việt Nam năm 2017
VOV.VN - Tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực, nhờ cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư...
Hàng loạt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo... đang tạo sức bật cho nền kinh tế nước nhà trong năm mới 2017.
Thành tựu của Chính phủ kiến tạo
Điểm nổi bật nhất của kinh tế 2016 là kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.
Chính phủ chủ động với các bộ, ngành trong xây dựng các phương án điều hành giá, lãi suất và tỷ giá. Năm 2016, được đánh giá là năm thành công trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát ở mức 4,74% - thấp hơn mục tiêu 5% Quốc hội đề ra. Nợ xấu tiếp tục được xử lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. 11 chỉ tiêu vượt mức báo cáo Quốc hội, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt. Đặc biệt là vượt chỉ tiêu thu ngân sách, nhiều địa phương, nhiều ngành đổi mới rất quyết liệt. Niềm tin thị trường, niềm tin xã hội được tăng lên.
Năm 2016, Cảng quốc tế Cái Lân (Quảng Ninh) tổ chức đón hàng trăm lượt tàu biển với sản lượng hàng hóa đạt khoảng 12 triệu tấn. (Ảnh: KT) |
Mặc dù mức tăng trưởng GDP của năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra (6,7%), song, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp thì đạt được mức tăng trưởng 6,21% là một thành công.
Nợ công - gam tối trong kinh tế
Bên cạnh những điểm sáng, kinh tế 2016 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: việc triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm, một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp và tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn. Việc tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm, xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém gặp nhiều khó khăn, kết quả thấp. Tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt kế hoạch.
Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn khi có gần 11.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh và hơn 55.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2016. Bên cạnh đó, nợ công ngày càng tăng cao và có nguy cơ vượt trần.
Dù khẳng định Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng trả 100% nợ công khi tới hạn, song điều mà nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng là khi áp lực trả nợ gốc và lãi tăng lên, không gian cho chính sách tài khóa của Việt Nam sẽ bị thu hẹp và ảnh hưởng đến các khoản chi cho đầu tư phát triển, chi cho phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế.
Ông Bùi Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Phòng Kinh tế thế giới, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhận định: “Nợ công và kể cả nợ nước ngoài có giai đoạn đã bắt đầu chồng lấp và mức độ ngày càng tăng lên”.
Triển vọng lạc quan dư địa kinh tế 2017
Năm 2017, mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước phấn đấu đạt 6,7%, chỉ số lạm phát dưới 4% và ngân sách phải bảo đảm cả Trung ương và địa phương. Đánh giá về dư địa năm 2017, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam vẫn đang ở vị thế rất thuận lợi so với nhiều quốc gia trong khu vực, chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, có nhiều lợi thế khi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ngoài ra, trong năm 2017, giải ngân vốn đầu tư phát triển sẽ được thúc đẩy hơn, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự báo ổn định. Tăng cường xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, cơ cấu lại vốn đầu tư công theo hướng bố trí vốn tập trung, triển khai đúng các quy định của Luật Đầu tư công sẽ giúp hoạt động giải ngân trở nên hiệu quả hơn.
Xuất khẩu của Việt Nam vẫn tạo thế cạnh tranh nổi bật và chiếm lĩnh những thị trường, dòng vốn tiếp tục đổ về, sẽ tiếp tục khẳng định với những hiệp định thương mại đã hoặc sẽ ký với các nước đối tác.
Sẽ không có “cuộc dạo chơi lãng mạn” nào ở chuyến tàu kinh tế 2017?
Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ trọng tâm chỉ đạo điều hành là ổn định vĩ mô, tăng trưởng cao hơn năm 2016 gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...
Thủ tướng cũng chỉ rõ, cần đặc biệt quan tâm xử lý hai vấn đề quan trọng hiện nay là nợ xấu và nợ công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước. Kiên quyết chống lợi ích nhóm, cơ chế xin - cho, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật./.