Nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp: Bức tranh tương phản
VOV.VN - Nguồn nhân lực chất lượng cao đối với DN vẫn đang là bài toán nan giải do sự “lệch pha” cung cầu, thừa mà vẫn thiếu. Tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - động lực phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật của cả nước là nơi có tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cao nhất nước, thực tế này đang đặt ra vấn đề quan trọng, cấp bách đối với toàn Vùng, nhất là TP.HCM và Bình Dương.
Đơn hàng giảm khiến nhiều người cần việc làm thêm
Theo sắp xếp của bộ phận nhân sự, cả tuần nay chị Nguyễn Thị Huyền, quê Sóc Trăng, làm việc tại 1 công ty giày da ở quận 12, TP.HCM phải nghỉ luân phiên. Do ít đơn hàng nên tháng nào công nhân cũng phải thay nhau nghỉ, có khi kéo dài vài tuần.
Thu nhập giảm, chị Huyền phải xin trường mẫu giáo cho con gái nghỉ học, ở nhà trông bé, tuần nào đi làm mới gửi con. Trong khu trọ trên đường Thạnh Lộc 16, phường Thạnh Lộc, chị Huyền vừa trông con vừa lên mạng tìm việc làm thời vụ, mong có tiền trang trải dịp cuối năm.
“Công ty giảm ngày làm liên tục, 1 tháng có khi chỉ làm 5-6 ngày. Kinh tế khó khăn quá nên Tết năm nay tôi không về quê. Chồng tôi làm chung công ty cũng thất nghiệp, mới đổi việc được 2 tháng nay”, chị Huyền tâm sự.
Không may mắn như chị Huyền, chị Nguyễn Thị Hạnh (quê Thanh Hóa), công nhân Công ty may Chiến Thắng (TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã quyết định xin nghỉ việc sau gần 1 tháng nghỉ không lương chờ đơn hàng. Để có tiền thuê nhà, lo cho 2 con ăn học, chị Hạnh đi tìm việc khắp nơi nhưng chưa có kết quả. Trong khi chờ cơ hội, chị xin rửa chén theo giờ cho 1 quán ăn. Mọi chi tiêu giờ đây trông vào chồng chị, làm ở công ty gỗ, lương tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng nên luôn thiếu trước hụt sau.
“Cuộc sống xa quê không có thu nhập thật sự rất khó khăn. Mình không có việc này phải tìm việc khác, dù ít hay nhiều cũng có thêm thu nhập. Chi phí ở trọ thì tiền nhà, tiền điện,… cũng đến 1,7 triệu đồng/tháng”, chị Hạnh chia sẻ.
Ông Cao Văn Phải, Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH thương mại sản xuất gỗ Tân Nhật nói, mặc dù gặp khó khăn nhưng ban giám đốc vẫn cố gắng dốc toàn lực để chăm lo cho công nhân. DN bên cạnh tạo việc làm cũng cải tiến một số chế độ an sinh, phúc lợi cho người lao động. Tiền chuyên cần đã tăng từ 200.000 lên 400.000 đồng/tháng; phụ cấp nhà ở từ 300.000 lên 500.000 đồng/tháng; chế độ thưởng năng suất trước đây từ 0,8-3 lần lương cơ bản, bây giờ nâng lên từ 1-5,5 lần nên số lao động cũ vẫn được duy trì và đa số là có thâm niên”, ông Phải cho biết.
Ít đơn hàng, song nhiều DN ở Bình Dương chủ trương không cắt giảm lao động. Nhưng khá đông công nhân vẫn chủ động xin nghỉ do thu nhập quá thấp. Như Công ty TNHH ván ghép Sudima (TP. Tân Uyên) trước đây có khoảng 800 công nhân hiện chỉ còn 620 lao động. Bà Lâm Thị Quyên, chủ quản kho công ty cho biết, hiện số đơn hàng đã tăng nhẹ, khoảng 10%.
“Lãnh đạo công ty cũng tìm kiếm thêm đơn hàng mới, khách hàng mới. Đối với khách hàng cũ, công ty áp dụng cơ chế giảm giá thành nhưng sản phẩm vẫn giữ chất lượng như cũ. Hai bên cùng phối hợp để công nhân có việc làm”, chị Quyên cho hay.
Tại TP.HCM, Sở Lao động Thương binh Xã hội trong năm 2023 đã tiếp nhận thông báo của 58 DN cho thôi việc 4.319 người, trong tổng số 45.735 lao động - do thiếu đơn hàng. Đáng chú ý, một lượng lớn công nhân nộp đơn nghỉ việc do lo ngại không thể rút BHXH 1 lần, khi Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được thông qua. Họ tìm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh, không muốn tham gia bất cứ loại hình bảo hiểm nào. Trong khi đó các DN tuyển dụng không muốn vi phạm pháp luật lao động, dẫn đến cung và cầu chưa gặp nhau.
Ông Hoàng Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM cho biết, nhiều lao động cũng không muốn học để chuyển đổi nghề do chỉ được hỗ trợ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, tối đa không quá 6 tháng. “Người lao động thất nghiệp đang rơi vào tình trạng khó khăn, lại phải có một số tiền để học nghề, thời gian đào tạo có thể trên 6 - 9 tháng. Họ phải có tiền để bù đắp trang trải trong quá trình học nên cuộc sống cũng bị ảnh hưởng, từ đó họ không mặn mà việc học để chuyển đổi ngành nghề”, ông Thắng nêu thực tế.
Nhiều việc làm nhưng chờ người có trình độ
Bên cạnh một số ngành bị ảnh hưởng tiêu cực, vẫn có những ngành chỉ số sản xuất công nghiệp tăng. Một số công ty rút lui khỏi thị trường, nhưng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động cao hơn.
Thị trường lao động tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam cũng có dấu hiệu phục hồi. Nhiều nhà máy tại khu công nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... tuyển dụng với số lượng lớn. Nhiều vị trí việc làm đang chờ người lao động.
Ở Tổng Công ty CP May Việt Tiến (quận Tân Bình, TP.HCM), hoạt động sản xuất khá thuận lợi, đơn hàng đã ký bảo đảm đến hết tháng 6/2024. DN có nhu cầu tuyển hơn 1.000 lao động, chủ yếu là công nhân trực tiếp sản xuất, kiểm hàng, vị trí quản lý, văn phòng... Ông Ngô Thành Phát, Giám đốc điều hành cho biết, với mức lương cao, công ty cũng đòi hỏi công nhân lành nghề.
“DN cần lao động có tay nghề để bắt nhịp ngay vào sản xuất, tạo được sản phẩm và tăng năng suất lao động, từ đó tiền lương mới cao. Ổn định việc làm và tăng thu nhập cho người lao động là mục tiêu của Tổng Công ty Việt Tiến. Tiền lương phấn đấu bình quân 11,5 triệu đồng trở lên”, ông Phát cho biết.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết, gần đây hoạt động sản xuất của các DN có khởi sắc. Một số công ty gỗ, da giày, dệt may, đơn hàng tăng trở lại nên bắt đầu tuyển dụng lao động, ưu tiên người có chuyên môn cao để vận hành máy móc, thiết bị hiện đại. Theo ông Tuyên, tỉnh luôn quan tâm vấn đề nhân lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
“Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối chặt chẽ với hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm toàn quốc, qua đó thu hút, điều tiết lao động từ các nơi về Bình Dương làm việc. Ngay trên địa bàn, Trung tâm cũng có sự kết nối giữa các DN có nhu cầu tuyển dụng với nơi đang cắt giảm để điều tiết. Sở cũng có kênh kết nối chặt chẽ với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để học viên, sinh viên sẵn sàng tham gia quá trình tuyển dụng của doanh nghiệp”, theo ông Tuyên.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, trong quý IV, hai địa phương cần nhiều lao động nhất là TP.HCM với hơn 80.000 vị trí làm việc, Bình Dương hơn 10.000 vị trí làm việc. 70% nhu cầu tập trung ở nhóm lao động có tay nghề cao. Để kết nối người lao động với DN có nhu cầu, các địa phương đang liên kết với nhau để phân bố nguồn nhân lực đồng đều hơn.
Đồng thời, để xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phải nâng cao hơn nữa tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp trong bối cảnh mới với sự phát triển vũ bão của công nghệ. Muốn vậy, cần sự vào cuộc của nhiều ban ngành chức năng, mà quan trọng nhất là sự đồng hành giữa DN và nhà trường trong quá trình đào tạo.