Nhân viên sân bay trộm đồ của khách: Ngành hàng không có giải pháp gì?
VOV.VN - Vấn nạn này cần phải được chấn chỉnh xử lý nghiêm để tạo dựng hình ảnh đẹp của ngành Hàng không Việt Nam.
Các hãng hàng không và cảng hàng không luôn khẳng định sự an toàn, chu đáo của mình, nhưng những vụ mất cắp, thất lạc hành lý của khách lâu nay vẫn thường xuyên xảy ra.
Năm 2014, gia đình chị Lê Nhật Linh ở Quận Thủ Đức, TP HCM sang Pháp thăm người thân. Khi về nước, trong hành lý kí gửi, chị đã chuẩn bị rất nhiều quà gồm điện thoại, nước hoa, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.
Tuy nhiên, khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, chị nhận được thông báo là hành lí đang bị thất lạc, hẹn đến lấy sau. Thế nhưng, khi ra nhận lại hành lý thì chị Linh phát hiện gần như toàn bộ đồ đạc bên trong bị mất. Chị cũng không nhận được lời giải thích thoả đáng vì sao như vậy từ đại diện bộ phận hành lý thất lạc ở sân bay.
“Không biết nguyên do làm sao đồ đạc lại bị mất. Khi gửi hành lí còn nguyên vẹn nhưng khi về nhà kiểm tra lại đồ thì bị mất, không hiểu đồ bị mất khi nào và mất như thế nào”, chị Linh cho biết.
Cùng chung cảnh ngộ và nỗi bức xúc, anh Nguyễn Vũ Nam ở quận Bình Thạnh cũng không dưới 2 lần bị mất hành lý ký gửi khi bay. Kẻ gian mở valy và lấy của anh nhiều tài sản giá trị mang từ nước ngoài vềnhư điện thoại, nước hoa, thậm chí là quần áo.
Anh Nam cho biết từ ngày ấy, mỗi lần đi máy bay, anh buộc phải mang đồ quý giá bên mình. Với hành lý ký gửi, để giảm khả năng bị nhân viên móc hành lí, anh chỉ có thể để những đồ đạc có giá trị trong hộp và dán băng keo hoặc nilon kín mít bên ngoài; cũng có khi anh phải đựng đồ trong valy cứng có ổ khoá an toàn…
“Không thể chấp nhận chuyện này! Vấn đề này cần phải chấn chỉnh từ công ty phục vụ hàng không, các hãng hàng không, đó là nhân viên của họ, họ đào tạo, huấn luyện phục vụ hành khách. Hi vọng nhân viên ý thức được rằng họ phục vụ hành khách, hành khách cũng là “thượng đế” và mọi hoạt động, dịch vụ tốt thì người ta mới tham gia”, anh Nam bức xúc.
Nhiều Việt Kiều, khách nước ngoài đã trở thành nạn nhân của những vụ mất cắp như thế. Do thủ tục báo hành lý thất lạc nhiêu khê, nên nhiều người đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nhưng hình ảnh của Việt Nam trong mắt du khách cũng bị xấu đi từ những hành vi này.
Nhiều diễn đàn, mạng xã hội đang lan truyền những video clip, câu chuyện phản ánh tình trạng hành khách bị nhân viên sân bay lấy cắp đồ. Thậm chí, trên mạng xã hội Facebook còn có một hội được du học sinh nước ngoài lập ra để chia sẻ kinh nghiệm đề phòng bị trộm đồ ở sân bay, với nội dung đại loại như: "Mọi người có về nước nên đóng hành lý cẩn thận, cần quấn nhiều lần băng dính ở ngoài rồi cho vào thùng, bên trong valy thì nên để nhiều quần áo ở bên ngoài, bọc những đồ đắt tiền ở giữa…”
Ông Phạm Chí Cường, Trưởng ban An toàn, Chất lượng và An ninh của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airline) khẳng định: Ăn cắp đồ ở sân bay là vấn nạn nhức nhối gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành hàng không. Đối tượng ăn cắp chắc chắn là những người có điều kiện tiếp xúc hành lý, hàng hóa. Tại các kho hàng hóa, dù có quy trình được coi là chặt chẽ, nhưng không phải không có kẽ hở, bằng chứng là các vụ mất cắp vẫn liên tục xảy ra".
Ông Cường cũng cho rằng, ngay lập tức cần có biện pháp phù hợp khắc phục điều này. Để làm được, yêu cầu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan thuộc ngành hàng không. Từ công đoạn kí gửi hành lý đến việc vận chuyển, bốc xếp cũng cần phải có hệ thống quản lý, camera giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, phải tăng cường nhận thức của nhân viên, người lao động trong ngành hàng không.
“Nhân viên sân bay luôn nhắc nhở hành khách không để đồ quý giá trong hành lý kí gửi. Mặc dù có camera theo dõi, thậm chí camera theo dõi cả khu tập kết để bốc dỡ hành lí, nhưng cũng không loại trừ trường hợp vẫn có những con sâu xấu. Vừa qua, hãng cũng bắt được một số trường hợp nhân viên ăn cắp đồ của hành khách. Điều quan trọng nhất là thực sự phải có quản lý từ hệ thống camera cho chặt chẽ, sau đó đến nhận thức của nhân viên, người lao động, thậm chí là cấp độ quản lý”, ông Cường khẳng định.
Xây dựng văn hoá, an ninh an toàn hàng không cần phải thực hiện ngay, khi mà ngành Hàng không Việt đang ngày càng đổi mới, phát triển và hội nhập./.