Nhiều bộ ngành lo ngại việc trao quyền điều tra cho cơ quan thuế
VOV.VN - Đề xuất trao quyền điều tra cho cơ quan thuế của Bộ Tài chính vẫn đang vấp phải sự phản đối và các ý kiến lo ngại từ các bộ, ngành.
Bộ Tài chính vừa đưa ra Dự thảo mới về Luật Quản lý Thuế sửa đổi sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, tổ chức, cá nhân.
Theo Dự Luật, Bộ Tài chính đề xuất trao cho cơ quan thuế chức năng điều tra thuế, thay vì phải chuyển hồ sơ các vụ việc sang cơ quan công an như hiện nay.
Nhiều bộ ngành lo ngại việc trao quyền điều tra cho cơ quan thuế (Ảnh minh họa: KT) |
Theo đó, trao cho cơ quan thuế thẩm quyền được khám xét không báo trước với người nộp thuế, được hỏi xét, lấy lời khai của người nộp thuế và đối tượng liên quan. Người nộp thuế được sử dụng luật sư hoặc người đại diện trong quá trình điều tra...
Góp ý về đề xuất trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị không bổ sung chức năng điều tra thuế vì hiện nay chức năng điều tra theo quy định hiện hành không thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế. Việc điều tra thuế nên để một cơ quan độc lập với cơ quan quản lý thuế thực hiện để đảm bảo tính minh bạch và đúng với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... đề nghị cân nhắc và làm rõ hơn đề xuất này, nhằm tránh chồng chéo, thiếu minh bạch, khách quan...
“Việc giao cơ quan, công chức thuế chức năng khởi tố, điều tra cần cân nhắc. Đồng thời phải có đánh giá tác động về tính chuyên nghiệp, chuyên sâu của công chức thuế”, Bộ Tư pháp góp ý.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nếu bổ sung thêm chức năng điều tra thuế, thì cùng 1 cơ quan, cùng 1 bộ máy vừa thực hiện thu thuế, vừa thực hiện thanh tra rồi lại thực hiện hoạt động điều tra thuế sẽ có thể làm giảm tính khách quan của hoạt động điều tra tố tụng, giảm tính minh bạch của hoạt động quản lý thuế.
Bộ Tài chính: điều tra thuế chỉ là 1 biện pháp nghiệp vụ
Giải trình trước các góp ý trên, Bộ Tài chính tiếp tục khẳng định, chức năng điều tra thuế sẽ không chồng chéo với công tác điều tra chuyên sâu của các cơ quan chức năng khác.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, ở nước ta, cơ quan thuế do chưa được giao quyền điều tra các hành vi tội phạm về thuế nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự đều chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố vụ án. Tuy nhiên, theo đánh giá, tỷ lệ các vụ xử lý được còn thấp do hành vi vi phạm pháp luật về thuế phức tạp đa dạng, diễn ra trên phạm vi rộng, có liên quan đến chứng từ, sổ sách, kế toán, thanh toán,…
“Cơ quan công an do hạn chế về lực lượng, không chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ thuế, không trực tiếp quản lý thông tin về lĩnh vực này nên quá trình điều tra, trưng cầu giám định thường bị chậm trễ dẫn đến truy thu tiền thuế trốn, tiền thuế chiếm đoạt không kịp thời”, Bộ Tài chính lập luận.
Vì vậy, cơ quan soạn thảo vẫn bảo lưu ý kiến phải cho thuế chức năng điều tra, vì các hành vi tội phạm về thuế thời gian qua nhiều, đều được chuyển sang cơ quan điều tra để tiến hành khởi tố, nhưng số vụ xử lý lại không được bao nhiêu.
Cụ thể, năm 2017, cơ quan thuế chuyển cơ quan công an hơn 2.500 vụ vi phạm về thuế, nhưng chỉ khởi tố hình sự được 3 vụ, khởi tố 2 bị can, chuyển xử lý hành chính 112 vụ.
Mặt khác, theo lãnh đạo Bộ Tài chính điều tra thuế chỉ là một biện pháp nghiệp vụ, chỉ điều tra khi phát hiện có dấu hiệu gian lận thuế, trốn thuế có tổ chức, móc nối có hệ thống nhiều tổ chức, cá nhân với nhau. Điều này nghĩa là khi thanh tra không đủ sức làm thì điều tra thuế mới vào cuộc.
Trong những năm gần đây, Bộ Tài chính đã nhiều lần đưa ra đề xuất trao cho cơ quan thuế chức năng khởi tố điều tra, tương tự như ngành Hải quan và Công an. Tuy nhiên, các đề xuất này đều chưa nhận được sự đồng thuận từ các bên./.
Một số lưu ý về việc thực hiện quyết toán thuế TNCN năm 2017
Sẽ cưỡng chế hàng trăm tỷ đồng tiền nợ thuế của hai Tổng công ty lớn
Cảnh báo nạn “ăn cắp” mã số thuế thu nhập cá nhân