Nhiều công trình trọng điểm bị ngưng trệ do cát xây dựng đội giá
VOV.VN - Việc chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trong thời gian qua đã khiến giá cát tăng mạnh, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình xây dựng.
Công trình đường Tân Việt Hòa đoạn từ đường Phạm Hữu Lầu đến điểm nối với cầu Cao Lãnh đang thi công dở dang. Đơn vị thi công chỉ mới thực hiện phần múc nền hạ mà chưa tiến hành bơm cát san lấp. Nguyên nhân là do giá cát mà đơn vị hiện mua là hơn 100.000 đồng/m3, tăng nhiều so với giá đấu thầu của đơn vị. Do đó, đơn vị thi công đã tạm dừng thi công dù tuyến đường chỉ còn 200 mét và khối lượng cát còn lại là không nhiều.
Giá cát tăng mạnh, gây ảnh hưởng đến triển khai của các công trình xây dựng
Anh Nguyễn Trung Hiếu, đơn vị thi công cho biết: Hiện nay công trình đang ngừng chờ chủ trương cho tăng giá từ chủ đầu tư để đơn vị bơm cát bơm được.
Một tuyến đường đang thi công thuộc xã Tân Thuận Đông thành phố Cao Lãnh cũng đang trong tình trạng ngưng trệ. Công trình có chiều dài hơn 1 km, tổng vốn đầu tư hơn 2,8 tỷ đồng. Tuyến đường đã tạm ngưng gần 1 tháng nay. Những vỉ sắt đổ đan mặt đường giờ phải nằm chờ vì công trình tạm ngưng. Nguyên nhân theo đơn vị thi công, đang chờ chủ trương tăng giá cát từ chủ đầu tư. Bởi nếu thi công theo hợp đồng đơn vị này sẽ bị thua lỗ hơn 1 tỷ đồng.
Bà Phan Thị Ngọc Tuyền, đại diện đơn vị thi công chia sẻ: Tổng giá trị phần cát này khoảng 400 triệu, nhưng để thực hiện được công trình này thì mất khoảng 1,5 tỷ. Khi giá cát tăng thì đơn vị bơm cát không chịu bơm, hoặc hủy hợp đồng.
Theo Công ty cổ phần xây lắp và vật liệu xây dựng Đồng Tháp, một trong 3 đơn vị được UBND tỉnh Đồng Tháp cấp giấy phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, xét ưu tiên cát cho các đơn vị thi công công trình trọng điểm, công trình dân sinh trên địa bàn đang có nhu cầu cát san lấp, cát xây dựng…
Riêng về giá cát, Công ty đã đã tiến hành bán cát theo đơn giá được UBND tỉnh ban hành. Trường hợp các đơn vị thi công mua cát giá cao có nhiều nguyên nhân. Trong đó chủ yếu là thuê mướn lại các phương tiện cung cấp khác hoặc chia nhỏ gói thầu dẫn đến tình trạng chưa thống nhất giá với các đơn vị cung cấp. Về phía công ty cổ phần xây lắp và vật liệu xây dựng Đồng Tháp vẫn đang khai thác theo chỉ tiêu được UBND tỉnh giao và không có trường hợp thiếu cát dẫn đến ảnh hưởng đến công trình.
Ông Nguyễn Châu Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây lắp và VLXD tỉnh Đồng Tháp cho hay: Trước đây, do giá cát quá rẻ, do khai thác không hợp pháp, nạo vét…cho nên giá cát ở mức thấp. Bây giờ tăng lên, nhưng so với giá tối thiểu tính thuế của Nhà nước thì không cao. Do một số gói thầu đấu thầu trước đây giá cát thấp nên giờ họ kêu, để thúc chủ đầu tư tăng đơn giá.
Các công trình thi công và các gói thầu san lấp mặt bằng triển khai trước tháng 6 năm nay hầu hết áp dụng đơn giá cát theo mức giá cũ để đấu thầu. Do đó, khi giá biến động làm tăng mức dự toán công trình.
Theo Sở Xây dựng, biên độ tăng mức dự toán này tùy thuộc vào các gói thầu và có tỉ lệ tăng dao động từ 5 đến 30%, cá biệt nhiều gói thầu san lấp tỉ lệ tăng có thể lên đến 150%. Theo thống kê chưa đầy đủ, số công trình bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá cát có thể lên đến hàng trăm công trình.
Bà Nguyễn Lê Phương Loan – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp cho biết giá cát tăng do một số nguyên nhân chính. Thứ nhất là do ảnh hưởng từ chính sách thu thuế tài nguyên áp dụng theo Thông tư 44 của Bộ Tài chính vừa ban hành có hiệu lực từ 1/7. Thứ hai là do hạn chế nguồn cung từ việc quản lí chặt các dự án nạo vét, khai thác trái phép… Thứ ba là do sự điều chỉnh mức phí vận chuyển đối với mặt hàng cát…
Những ảnh hưởng từ việc tăng giá cát là thực tế đã được ghi nhận và Đồng Tháp cũng như nhiều địa phương khác trong vùng đã có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ để chờ được xem xét giải pháp hỗ trợ. Trong khi đó, việc tự ý dừng công trình, dự án của các đơn vị thi công sẽ làm chậm tiến độ công trình, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh từ nay đến cuối năm./. Giá cát xây dựng tăng cao chỉ mang tính chất thời điểm