Nhiều lỗ hổng trong quản lý đầu mối nhập khẩu xăng dầu

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính trên 1.000 tỷ đồng lỗ ảo của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu vì cách quản lý, điều hành còn nhiều sơ hở.

Vào đầu tháng 12/2009, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán việc cấp bù lỗ kinh doanh các mặt hàng xăng dầu giai đoạn 2006-2008 tại 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Qua đó thấy còn nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý cấp ngân sách nhà nước để thất thoát hàng tỷ đồng cần được chấn chỉnh kịp thời.

Đây là lần đầu tiên, Kiểm toán Nhà nước đã  kiểm toán 10 doanh nghiệp đầu mối được nhập khẩu xăng dầu gồm: Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty dầu Việt Nam, Công ty thương mại kỹ thuật đầu tư, Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP. Hồ Chí Minh, Công ty xăng dầu Quân đội, Công ty TNHH một thành viên vật tư tổng hợp Phú Yên, Công ty thương mại xăng dầu đường biển, Công ty thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần liên doanh dầu khí Mê Kông và Công ty xuất nhập khẩu Thanh Lễ.

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, nhìn chung, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cơ bản đã chấp hành pháp luật của nhà nước, thực hiện các chính sách vĩ mô trong việc nhập khẩu, kinh doanh xăng, dầu phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Tuy vậy, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính trên 1.025 tỷ đồng, trong đó thu hồi số tiền cấp bù lỗ trái quy định các mặt hàng dầu 87 tỷ đồng, giảm quyết toán, giảm cấp bù lỗ các mặt hàng dầu năm 2008 từ ngân sách nhà nước 938 tỷ đồng. Bởi, nguyên nhân trước tiên là, vì được nhà nước còn bao cấp bù lỗ nên các doanh nghiệp này đã hạch toán luôn cả các khoản đầu tư tài sản, các nguồn khác đài thọ vào chi phí để được bù lỗ, trong khi các khoản thu lại không được tính toán đầy đủ để giảm giá thành. Nhiều doanh nghiệp còn áp dụng mức chiết khấu bán hàng cao hơn quy định.

Một lỗ hổng nghiêm trọng khác là, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) không hiểu vì lý do gì lại không lập bản  tổng hợp quyết toán cấp bù lỗ theo năm cho các doanh nghiệp dẫn đến việc cấp bù không đảm bảo tiến độ nên có khoản cấp bù quyết toán, tạm ứng kéo dài làm thất thoát ngân sách nhà nước, chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, phê duyệt quyết toán cấp bù. Đặc biệt, Cục này chưa xử lý kiên quyết, kịp thời số tạm ứng vượt năm 2008 đối với Công ty Thương mại xăng dầu đường biển. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, các đại lý, tổng đại lý không thường xuyên, thiếu chặt chẽ theo Nghị định 55 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các văn bản quy phạm khác nhằm ngăn chặn tình trạng kê khai "mua xa bán gần" để hưởng chính sách ưu đãi về giá, cước vận chuyển của doanh nghiệp, về định mức hao hụt...

Qua đó, người tiêu dùng hoan nghênh Kiểm toán Nhà nước đã vào cuộc, bởi trong nhiều năm qua, dư luận rất bức xúc trước thực trạng; mỗi khi giá xăng dầu trên thế giới tăng là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kêu lỗ và kiến nghị điều chỉnh tăng giá xăng dầu, nhưng khi giá xăng dầu thế giới giảm thì không được điều chỉnh giảm tương ứng ngay, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ví dụ: Tổng công ty xăng dầu Việt Nam ( Petrolimex) phần lớn nhập xăng dầu theo quý. Riêng trong quý 1/2009, doanh nghiệp này nhập xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới tụt xuống chỉ còn hơn 60 USD/thùng, nhưng trong quý 2, giá  xăng dầu thế giới tăng, và Liên bộ Tài chính - Công thương đã điều chỉnh 5 lần tăng giá xăng và 4 lần tăng giá dầu, trong khi doanh nghiệp này vẫn bán xăng dầu nhập với giá thấp trong quý 1. Vậy là, việc kêu lỗ và kiến nghị được nhà nước bù lỗ của các doanh nghiệp đa phần là lỗ ảo với giả thiết phải nhập hàng giá cao.

Do đó, việc Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi cho ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng dầu là bằng chứng cho thấy còn có những sơ hở cần được chấn chỉnh trong việc điều hành giá xăng dầu của Liên bộ Tài Chính -Công thương.

Hơn 1.000 tỷ đồng phải thu hồi cho ngân sách nhà nước mà chủ yếu từ khâu quản lý quyết toán việc cấp bù lỗ cho các doanh nghiệp đặc quyền được phép nhập khẩu xăng dầu chủ yếu của năm 2008 là không nhỏ. Trong khi mỗi cán bộ, nhân viên ngành thuế nhà nước (thuộc Bộ Tài chính) đã có nhiều cố gắng khai thác các nguồn thu, chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước thì việc ngân sách nhà nước phải bù lỗ trái quy định cho các doanh nghiệp xăng dầu của các đơn vị, cá nhân thuộc ngành tài chính phụ trách công việc này cũng cần phải xử lý nghiêm. Nếu có các dấu hiệu cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp, tham nhũng, tiêu cực thì phải bị truy tố theo pháp luật hiện hành.

Từ vụ việc này cho thấy, Bộ Công thương và Bộ Tài chính phối hợp trong việc xác định nhu cầu dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia xăng dầu, cân đối sản lượng nhập khẩu để cấp hạn ngạch phù hợp, xác định chính sách giá bán trên nguyên tắc thị trường nhưng không gây tác động quá lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên