Đại sứ New Zealand tại Việt Nam:

Nhiều thuận lợi để Việt Nam-New Zealand sớm đạt kim ngạch thương mại 3 tỷ USD

VOV.VN - Ngày 19/6 đánh dấu ngày Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao (19/6/1975). Trải qua 49 năm hình thành và phát triển, quan hệ song phương đạt nhiều thành tựu ấn tượng trên mọi lĩnh vực.


Hướng đến dịp kỷ niệm quan trọng 50 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ, 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2025, nhiều hoạt động và mục tiêu chiến lược đang được hai bên bàn thảo và thống nhất. Nhân dịp này, phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Caroline Rachel Beresford về triển vọng quan hệ hai nước:

PV: Thưa Đại sứ, ngày 19/6 đánh dấu mốc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Trước hết Đại sứ muốn gửi đi thông điệp gì nhân dịp này, đặc biệt khi Đại sứ vừa bắt đầu nhiệm kỳ mới tại Việt Nam?

Đại sứ Caroline Rachel Beresford: Có rất nhiều thông điệp đối với mối quan hệ quan trọng, sâu sắc và rộng khắp như Việt Nam và New Zealand. Điều đầu tiên hiện lên trong tâm trí tôi là rất nhiều người Việt Nam mà tôi đã gặp - những người đã học tập hoặc du lịch đến New Zealand. Đây là một sự kết nối tuyệt vời. Tôi thực sự hy vọng rằng, trong 4 năm ở đây, tôi có thể gặp gỡ thêm nhiều cựu sinh làm việc cả trong chính phủ và tại các trường đại học. Và thông điệp mà tôi muốn gửi gắm là lời Cám ơn - Cám ơn vì đã ủng hộ New Zealand; Cám ơn vì đã học tập ở New Zealand và tiếp tục gửi con em mình đến với đất nước chúng tôi. New Zealand rất quan tâm đến sinh viên Việt Nam, và chúng tôi muốn thấy con số sinh viên ngày càng tăng lên, đồng nghĩa tăng cường sự hiểu biết và lòng tin giữa hai quốc gia để cùng hướng đến tương lai.

PV: Năm 2025, hai nước kỷ niệm tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Dấu mốc này sẽ mở ra những lĩnh vực hợp tác trọng tâm mới nào cho quan hệ song phương, thưa Đại sứ?

Đại sứ Caroline Rachel Beresford: Đây sẽ là những vấn đề mà chúng ta cùng trao đổi để xem xét các lĩnh vực thế mạnh và lợi thế cạnh tranh, từ đó kết nối và hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ, New Zealand có ngành công nghệ nông nghiệp hàng đầu thế giới; và một trong những điều mà chúng tôi đặc biệt tự tin là có thể tạo ra một nền nông nghiệp chống chịu hiệu quả với biến đổi khí hậu. Chúng tôi biết rằng, Việt Nam thực sự cần những công nghệ đó, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - nơi đang bị đe dọa bởi nhiều vấn đề môi trường khác nhau. Vì vậy, tôi nghĩ trong tương lai, mối quan hệ hai bên cần tập trung những lĩnh vực mà hai bên có thể bổ trợ lẫn nhau như vậy. Và tôi cũng muốn chứng kiến mối quan hệ phát triển và mở rộng sang các lĩnh vực mới. Ví dụ, số hóa là một lĩnh vực thực sự quan trọng. Các bạn biết đấy, New Zealand đang tập trung mũi nhọn phát triển ngành công nghệ khoa học vũ trụ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới. Tôi nghĩ New Zealand và Việt Nam có rất nhiều cơ hội tiềm năng để hợp tác số hóa nền kinh tế của hai nước.

PV: Việt Nam - New Zealand đã đặt mục tiêu sớm đạt 3 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương. Vậy theo Đại sứ, lộ trình này sẽ có những thuận lợi và thách thức nào?     

Đại sứ Caroline Rachel Beresford: Vâng, những lợi thế là rõ ràng. Bởi các quốc gia càng giao thương với nhau thì sự hội nhập càng rõ nét. Và hội nhập là nền tảng cho sự ổn định của khu vực. Tôi nghĩ rằng, ưu tiên đối với chúng ta là thực hiện đầy đủ các cam kết thương mại mà hai nước đã có, ví dụ như RCEP, APEC hay CPTPP... Điều đó có nghĩa là hai nước có tiềm năng hội nhập mạnh mẽ; nhưng điều chúng ta cần làm là đảm bảo có thể tận dụng tối đa hiệu quả các thỏa thuận này, bằng cách hỗ trợ phát huy thế mạnh của mỗi nước. Ví dụ, một lĩnh vực có thể tạo sự khác biệt lớn là New Zealand với kinh nghiệm lâu năm đang hỗ trợ Việt Nam triển khai chứng nhận kiểm dịch điện tử nhằm đơn giản hoá và đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hoá, dịch vụ tại cửa khẩu.

Một điều nữa mà tôi thực sự muốn làm trong nhiệm kỳ của mình là hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước. Có rất nhiều ưu đãi thuế quan và thị trường ngách mà tôi nghĩ các doanh nghiệp hai bên chưa biết đến, và họ có thể dễ dàng tiếp cận theo các thỏa thuận hiện có. Tôi nghĩ những thách thức là giống nhau, nhưng nền kinh tế toàn cầu luôn vận động. Và các công ty cần có năng lực để giao thương, hợp tác với nhau. Đây là lúc sự tin tưởng và hiểu biết phát huy tác dụng. Tôi nghĩ rằng, các công ty New Zealand cần chấp nhận nhiều rủi ro hơn và phải dũng cảm, vì họ cần đến Việt Nam, họ cần hiểu thị trường này và họ cần ở lại đây đủ lâu để đầu tư một cách hợp lý.

PV: Là một quốc gia phát triển mạnh về nông nghiệp, cũng là một thị trường khó tính, New Zealand có những kinh nghiệm nào có thể chia sẻ và dự kiến có những dự án hợp tác nào nổi bật trong lĩnh vực này với Việt Nam giai đoạn tới?

Đại sứ Caroline Rachel Beresford: Đây thực sự là một lợi thế của New Zealand. Chúng tôi tự hào là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về thương mại nông nghiệp. Đó là động lực và nền tảng của nền kinh tế của chúng tôi trong nhiều thế kỷ. Theo thời gian, ngành nông nghiệp New Zealand đã chuyển mình mạnh mẽ với sự hiện đại hóa không ngừng. Việc ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp như làm lạnh… đã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của trang trại, thương mại hóa hàng hóa và xuất khẩu.

Hiện nay, cơ hội mới đang rộng mở với nông nghiệp bền vững, khi người tiêu dùng ở các thị trường khó tính đặc biệt như Châu Âu và Mỹ, đang yêu cầu truy xuất nguồn gốc để đảm bảo rằng hàng hóa mà họ mua là đảm bảo sạch và an toàn. Vì vậy, New Zealand đã phát triển các công nghệ cần thiết đảm bảo yêu cầu đó của người tiêu dùng. Đó là những điều mà chúng tôi có thể chia sẻ với Việt Nam. Chúng tôi cũng rất tự tin trong thương mại quốc tế. Một trong các dự án lớn mà New Zealand hiện đang hợp tác với Việt Nam đã được công bố trong chuyến thăm New Zealand của Thủ tướng Phạm Minh Chính trị giá hơn 6 triệu NZD để phát triển ngành trồng chanh dây của Việt Nam, giúp các bạn có thể xuất khẩu sản phẩm này nhiều hơn. Trước đó, chúng tôi đã thành công với sản phẩm thanh long của các bạn. Đó là kết quả thực sự tuyệt vời.

PV: Đều là những thành viên tích cực của các cơ chế, hiệp định thương mại, diễn đàn khu vực và quốc tế, theo Đại sứ, hai nước cần phát huy những cơ chế hợp tác đã có như thế nào để khẳng định vai trò của mỗi nước cũng như góp phần giải quyết những vấn đề chung của khu vực và toàn cầu?

Đại sứ Caroline Rachel Beresford: Giải quyết các vấn đề khu vực đồng thời hợp tác hiệu quả tại các diễn đàn đa phương đòi hỏi sự tập trung nỗ lực theo thời gian. Vì vậy, New Zealand đã bắt đầu hợp tác với Việt Nam về thương mại từ nhiều thập kỷ trước, và lòng tin đã được xây dựng từ đó. Ví dụ, khi Việt Nam mong muốn trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chính New Zealand đã thành lập một tổ chức có tên “Bạn bè của Việt Nam” để hỗ trợ các bạn tham gia cơ chế đó. Rất vui là những sự hỗ trợ như vậy đã được người dân Việt Nam ghi nhớ và ngược lại. Vì vậy, điều thực sự quan trọng là chúng ta phải tìm ra những vấn đề cùng quan tâm trong các cơ chế như WTO, APEC, ASEAN… và cùng nhau thúc đẩy hợp tác hơn nữa. Bởi chúng ta có thể không phải là cường quốc trong khu vực, nhưng với các lĩnh vực cùng quan tâm, chúng ta đều có được tiếng nói bình đẳng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Việt Nam đạt thỏa thuận xuất khẩu quả chanh và bưởi sang New Zealand
Việt Nam đạt thỏa thuận xuất khẩu quả chanh và bưởi sang New Zealand

VOV.VN - Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu quả chanh và bưởi tươi sang New Zealand. Đây là một trong những thỏa thuận quan trọng được ký kết tại “Đối thoại và Triển lãm AgriConnectioNZ: Đối tác Chiến lược trong Nông nghiệp” vừa diễn ra chiều nay (15/11) tại Hà Nội.

Việt Nam đạt thỏa thuận xuất khẩu quả chanh và bưởi sang New Zealand

Việt Nam đạt thỏa thuận xuất khẩu quả chanh và bưởi sang New Zealand

VOV.VN - Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu quả chanh và bưởi tươi sang New Zealand. Đây là một trong những thỏa thuận quan trọng được ký kết tại “Đối thoại và Triển lãm AgriConnectioNZ: Đối tác Chiến lược trong Nông nghiệp” vừa diễn ra chiều nay (15/11) tại Hà Nội.

Việt Nam - New Zealand tin tưởng thương mại song phương đạt 2,4 tỷ USD vào năm 2024
Việt Nam - New Zealand tin tưởng thương mại song phương đạt 2,4 tỷ USD vào năm 2024

VOV.VN - Việt Nam và New Zealand còn nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng quy mô thương mại song phương trong thời gian tới, trước mắt là vượt mốc 2 tỷ USD vào năm 2024.

Việt Nam - New Zealand tin tưởng thương mại song phương đạt 2,4 tỷ USD vào năm 2024

Việt Nam - New Zealand tin tưởng thương mại song phương đạt 2,4 tỷ USD vào năm 2024

VOV.VN - Việt Nam và New Zealand còn nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng quy mô thương mại song phương trong thời gian tới, trước mắt là vượt mốc 2 tỷ USD vào năm 2024.