Nhiều xã vùng Tây Bắc chưa có đường ô tô đến
VOV.VN -Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều xã vùng Tây Bắc chưa có đường ô tô đến, đường đất còn nhiều….
"Các địa phương cần chủ động lập danh mục công trình giao thông, có thứ tự ưu tiên thực hiện các công trình để chọn hình thức đầu tư phù hợp”. Đây là ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc tại Hội nghị tổng kết 5 năm công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải vùng Tây Bắc diễn ra sáng nay, tại Hà Nội.
Hội nghị tổng kết 5 năm công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải vùng Tây Bắc |
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, do xuất phát điểm về kết cấu hạ tầng giao thông so với mặt bằng chung cả nước thấp, điều kiện tự nhiên phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao, địa hình bị chia cắt nên việc phát triển giao thông vận tải trong khu vực gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn bảo trì mặc dù đã được quan tâm nhưng mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu để thực hiện công việc.
Ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Bắc cho rằng: cần có cơ chế chính sách để đầu tư cho vùng, chính sách thu từ các nguồn lệ phí, chính sách vay vốn ngân hàng để phát triển hệ thống giao thông, nhất là đáp ứng phát triển kinh tế ngay lập tức thì phải kết nối được các tỉnh với đường cao tốc Nội Bài -Lào Cai.
Quan điểm của ông Cừ là “hệ thống giao thông nông thôn cần có sự hỗ trợ, nhất là hỗ trợ xi măng để cứng hóa các hệ thống đường liên xã, liên thôn hiện nay. Để cứng hóa hệ thống đường giao thông nông thôn thì phải bằng giải pháp Chính phủ hỗ trợ trái phiếu, xi măng cho các vùng miền”.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hiện, còn nhiều xã trong vùng Tây Bắc chưa có đường ô tô đến, đường đất còn nhiều, đường liên huyện tỷ lệ cứng hóa còn thấp, nên liên kết vùng bị hạn chế, nhiều nơi đồng bào đi lại khó khăn.
Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính để thúc đẩy xây dựng một số danh mục công trình; bố trí nguồn vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ để phát triển hạ tầng giao thông, nhất là mở rộng, nâng cấp, hoàn thiện các tuyến huyết mạch, tuyến kết nối nhằm phát huy tính đồng bộ, liên thông của hạ tầng giao thông trong vùng, đồng thời khai thác hiệu quả những phương thức vận tải trong vùng.
Các địa phương cần chủ động thành lập danh mục các công trình giao thông để có sự chủ động chỉ đạo, có thứ tự các công trình giao thông ưu tiên để chọn hình thức đầu tư phù hợp. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật trong đầu tư xây dựng, có hình thức xã hội hóa đầu tư. Trong vận tải, cần phát triển số lượng, chủng loại, phương tiện phù hợp với mục tiêu của vùng Tây Bắc, quy hoạch mạng lưới ô tô liên tỉnh, bến xe để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi của nhân dân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: “Các địa phương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế, tham gia kinh doanh dịch vụ vận tải bình đẳng, minh bạch. Trên tinh thần đó phát huy được nhà nước và nhân dân cùng làm. Bộ Giao thông Vận tải phải tính để duy tu bảo dưỡng không xuống cấp. Bảo vệ tốt hạ tầng giao thông cũng rất quan trọng trong đó ngoài duy tu bảo dưỡng nhưng phải chống xe quá tải đặt ra cùng vói đảm bảo an toàn giao thông”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh tăng cường giám sát lĩnh vực này để thời gian tới vừa phát triển hạ tầng giao thông vận tải, vừa đảm bảo an toàn giao thông để giảm cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương) ở vùng Tây Bắc.
Tại Hội nghị, 24 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải vùng Tây Bắc giai đoạn 2010-2015 đã được nhận Bằng khen của Ban Chỉ đạo Tây Bắc ./.