Nhìn Trung Quốc mua sầu riêng Thái Lan, nông sản Việt lại mơ
80.000 quả sầu riêng Thái Lan được người dân Trung Quốc mua hết veo trong vòng 60 giây trở thành niềm mơ ước của nông sản Việt.
Thông qua tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới Alibaba, Thái Lan và Trung Quốc đã ký kết quyết định trao đổi hàng hoá hai bên. Với thế mạnh về sầu riêng, Thái Lan đã bán sản phẩm đặc thù này trên mạng internet và kết quả thu về khiến nhiều người choáng váng.
Tổng cộng, 200 tấn sầu riêng Monthong đã được bán hết sạch chỉ sau 1 phút. Hai bên ký với nhau hợp đồng trị giá 478 triệu USD và Thái Lan sẽ cung cấp nông sản chất lượng cao cho Trung Quốc.
“Trung Quốc sẽ sớm trở thành khách hàng lớn và tiềm năng nhất thế giới khi thu nhập bình quân đầu người tăng lên. Dự kiến, tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc sẽ đạt con số 300 triệu người trong năm 2020”, Jack Ma, Chủ tịch tập đoàn Alibaba, nói.
Một quả sầu riêng Monthong có giá 200 tệ (khoảng 700 ngàn đồng) và nặng tới 5 kg. Dự kiến sẽ có khoảng 2 triệu quả sầu riêng được bán trong thời gian tới.
Sầu riêng Thái Lan trở thành loại trái cây mang lại giá trị kinh tế cao. |
Kết quả bán sầu riêng của Thái Lan cho khách hàng Trung Quốc trở thành niềm mơ ước của nông sản Việt Nam. Nhiều năm nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt là hoa quả tươi chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo Tổng cục Hải quan, thị trường Trung Quốc hiện chiếm đến 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Nhưng đến hẹn lại lên, nhiều thời điểm trong năm, hàng trăm xe tải chở các loại hoa quả tươi của Việt Nam như dưa hấu, thanh long... lại đổ dồn về các cửa khẩu, xếp hàng vài km chờ sang Trung Quốc. Không ít chủ hàng phải bán đổ bán tháo, chấp nhận lỗ vốn để đưa xe về vì nguy cơ nông sản bị hỏng và chi phí trong lúc chờ đợi cao nếu ùn tắc kéo dài nhiều ngày.
Việc buôn bán nông sản qua biên giới giữa hai nước phần nhiều khi có hợp đồng, không có cam kết nên việc bán hàng gặp nhiều khó khăn. Khi lượng hàng mang lên nhiều lại bị tư thương Trung Quốc ép giá.
Không dừng ở đó, Trung Quốc đang từng bước thể hiện nước này không còn là thị trường dễ tính bằng các rào cản kỹ thuật.
Từ ngày 1/4/2018, Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu hoa quả nước này khi làm thủ tục xin Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu phải cung cấp thêm hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm.
Thông tin bao gồm: tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh.
Bên cạnh đó, ngành chức năng Trung Quốc cũng khuyến cáo doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào.
Thị trường Trung Quốc đa dạng, nhu cầu lớn nhưng cạnh tranh ngày càng gay gắt, đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi tư duy để bắt kịp thị trường./.
Cần “6 nhà” cùng mở “lối thoát” cho nông sản Việt
Nông sản Việt - Thứ được hét giá, thứ nằm chờ giải cứu