“Những doanh nghiệp trụ vững xứng đáng là dũng sỹ!”
(VOV) -Trong thời điểm khó khăn hiện nay, những doanh nghiệp trụ vững xứng đáng là dũng sỹ.
PV: Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?
TS Vũ Tiến Lộc: Chúng ta đang ở trong những ngày sóng gió của các doanh nghiệp. Mặc dù nền kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực, lạm phát đang dần được kiềm chế.
Chính phủ đã có một loạt các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Nợ xấu, hàng tồn kho vẫn hiện hữu, thị trường bị thu hẹp, lãi suất ngân hàng cao so với sức chịu đựng của các doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc (ngoài cùng bên phải) trong lễ trao giải thưởng “Doanh nghiệp Hội nhập và phát triển” lần thứ 5 |
Công cuộc cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế mới đi được những bước đầu tiên, còn rất hạn chế. Cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Thể chế kinh tế vẫn còn nhiều bất cập. Số lượng doanh nghiệp đóng cửa, giải thể ngày càng tăng, chưa có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có khả năng phục hồi sớm trong một vài tháng tới.
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, các doanh nghiệp phải rất cố gắng để trụ vững. Tôi cho rằng, những doanh nghiệp nào trụ vững được đã xứng đáng là dũng sỹ. Chúng ta hiểu một điều rất quan trọng là nếu chỉ tính bài toán lỗ lãi đơn thuần, nhiều doanh nghiệp sẽ dừng sản xuất để bảo toàn vốn, cắt lỗ. Nhưng nhiều doanh nghiệp đã không làm như vậy. Họ thương và lo cho người lao động, duy trì sản xuất dù chỉ có thể bảo toàn vốn, thậm chí lỗ nhưng vẫn tiếp tục duy trì để đảm bảo công ăn việc làm và đóng góp vào tăng trưởng nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp không chỉ trụ được mà còn kinh doanh có hiệu quả và hội nhập rất tốt. Họ vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Những doanh nghiệp này rất cần được cổ vũ, tôn vinh.
PV: Vậy theo ông, nhờ đâu mà các doanh nghiệp này trụ vững và phát triển trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế?
TS Vũ Tiến Lộc: Nhìn chung, họ có chiến lược sản xuất kinh doanh tốt. Đặc biệt, họ biết tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi đồng thời mở rộng, đa dạng hóa thị trường, không chỉ dựa vào thị trường trong nước mà gắn với thế giới và tham gia tích cực vào chuỗi giá trị này. Đây cũng là những doanh nghiệp có hệ thống quản trị, đặc biệt là quản trị tài chính hiệu quả. Họ cũng có hệ thống phòng ngừa, cảnh báo và đối phó với rủi ro khá tốt.
PV: Với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, ông có lời khuyên nào về chiến lược sản xuất kinh doanh với họ?
TS Vũ Tiến Lộc: Điều quan trọng nhất với các doanh nghiệp hiện nay là phải khẩn trương rà soát ngay các lĩnh vực kinh doanh của mình, căn cứ vào lợi thế của mình để tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, không thể dàn trải như trước được.
Đó là chiến lược về sản phẩm và dịch vụ. Còn về thị trường, phải biết đa dạng hóa thị trường, không quá tập trung vào thị trường nào. Doanh nghiệp cũng phải chú ý rà soát và có giải pháp tích cực để thay đổi công nghệ, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời gian sắp tới. Bởi vì trong điều kiện hiện nay, những đòi hỏi về trách nhiệm xã hội, về hàng rào kỹ thuật sẽ rất khắt khe.
Những doanh nghiệp phát triển theo chiến lược xanh, sử dụng công nghệ không ảnh hưởng đến môi trường sẽ có thị trường bền vững. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ, không đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường sẽ không chỉ gặp trở ngại trong nước mà còn thất bại trong việc thâm nhập thị trường thế giới.
Bởi vậy, việc thay đổi công nghệ là rất cần thiết. Các doanh nghiệp cũng phải chú ý xây dựng hệ thống quản trị tài chính chuyên nghiệp, có hệ thống cảnh báo và phòng ngừa rủi ro. Đặc biệt là quan tâm đến người lao động, tạo điều kiện cho họ phát huy được trí tuệ và sức lực của mình.
PV:Trong thời gian tới, VCCI sẽ có những giải pháp nào để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn sóng gió này?
TS Vũ Tiến Lộc: Với mục tiêu hạn chế tối đa những tác động bất lợi đối với nền kinh tế cũng như doanh nghiệp, VCCI sẽ tiếp tục hỗ trợ tái cấu trúc lại doanh nghiệp, tăng cường khả năng liên kết hình thành chuỗi doanh nghiệp, tiếp tục lắng nghe và kiến nghị Chính phủ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, tạo điều kiện để doanh nghiệp được tham gia sâu rộng hơn vào việc hoạch định, xây dựng chính sách.
Để giải phóng hàng tồn kho, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, VCCI sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức xúc tiến thương mại hàng đầu thế giới, tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, tham dự triển lãm, khảo sát tìm kiếm thị trường.
Ngoài ra, thông qua cổng thôn tin điện tử của VCCI, doanh nghiệp sẽ được cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường để kịp thời xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, góp phần nâng cao doanh số, lợi nhuận và đẩy mạnh xuất khẩu.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!