Nợ của doanh nghiệp nhà nước đe dọa nợ công Việt Nam

(VOV)-Khả năng đe dọa nợ công Việt Nam của khu vực DNNN nằm ở chỗ khu vực này luôn nhận được ngân sách “mềm” từ Chính phủ.

 
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố báo cáo nghiên cứu “Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương lai”. Trong nghiên cứu đã chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn của nợ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đối với nợ công hiện nay ở Việt Nam. 

Hiệu quả DNNN thấp

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong thập niên đầu thế kỷ XXI, việc cổ phần hoá các DNNN đã giảm đáng kể số lượng DNNN. Tuy nhiên, tỉ trọng của khu vực này trong nền kinh tế vẫn còn khá lớn. Tính đến tháng 10/2011, cả nước có 1.309 DNNN có vốn 100% của Nhà nước và khoảng 1.900 doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước trên 50%. Tại thời điểm 31/12/2010, các DNNN chỉ chiếm tỉ trọng không đáng kể về số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam, nhưng nắm giữ 32,6% nguồn vốn kinh doanh, 35,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn.

Hơn nữa, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hầu hết tín dụng ngân hàng đều dành cho các DNNN, ở mức trên 50% trong suốt những năm cuối thế kỷ XX và hiện ở mức xấp xỉ 30%. Bên cạnh nguồn vốn tín dụng từ các NHTM, DNNN vẫn thường xuyên nhận được ngân sách “mềm” từ Chính phủ bất cứ khi nào gặp khó khăn.

Về hiệu quả hoạt động của DNNN, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, so với khu vực doanh nghiệp tư nhân, hiệu quả sử dụng vốn DNNN vẫn thấp hơn nhiều, mặc dù khối DNNN tạo ra 27-30% GDP hằng năm.

Theo số liệu Điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê năm 2010, DNNN phải sử dụng tới 2,2 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu năm 2009, trong khi đó doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng vốn và doanh nghiệp FDI là 1,3 đồng (mức trung bình của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam là 1,5 đồng).

Đáng chú ý nữa, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dẫn Đề án Tái cấu trúc khu vực DNNN của Bộ Tài chính năm 2012 cho thấy, dư nợ của 85/96 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính nợ của Vinashin) đến cuối 2010 là 1.044.292 tỉ đồng, bằng 1,65 lần vốn chủ sở hữu. Nếu tính cả nợ của Vinashin (86.000 tỉ đồng), thì nợ của DNNN đến cuối năm 2009 (không kể 9 tập đoàn, tổng công ty chưa có số liệu) đã lên tới 54,2% GDP năm 2009.

Riêng Tập đoàn Vinashin có dư nợ đã lên tới khoảng 86.000 tỉ đồng, trong đó nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỉ đồng nhưng không thể tự cân đối dòng tiền. Tuy nhiên, nhà nước tiếp tục các hình thức hỗ trợ như chuyển nợ (cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác), giãn nợ (bảo lãnh của Nhà nước trước các ngân hàng) và bổ sung vốn (tăng vốn điều lệ từ 9.000 tỉ đồng lên 14.655 tỉ đồng).

Nhận ngân sách “mềm”, nợ DNNN đe dọa nợ công Việt Nam

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trước mắt, nợ của khu vực DNNN chưa thực sự đe doạ nợ công của Việt Nam. Trên danh nghĩa, Chính phủ chỉ bảo lãnh một số DNNN vay nợ nước ngoài, còn toàn bộ các khoản tín dụng trong nước thì DNNN phải tự vay tự trả. Với mức dư nợ khu vực tín dụng của DNNN khoảng 55-60% GDP năm 2009 thì phần dư nợ của DNNN được Chính phủ bảo lãnh trên danh nghĩa chỉ mới chiếm khoảng 4,2-6,9% tổng dư nợ của khu vực này. Đây là mức mà khu vực này hoàn toàn có thể hoàn trả được ngay cả khi nợ xấu của khu vực này ở mức rất cao đi chăng nữa.

Tuy nhiên, khi các DNNN lâm vào khó khăn, các khoản nợ trong nước của các doanh nghiệp này thường được Chính phủ hỗ trợ dưới các hình thức bổ sung vốn, khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ, xóa nợ. Tất cả các hình thức ngân sách mềm này cuối cùng đều sẽ khiến chi tiêu ngân sách tăng và với việc ngân sách nhà nước liên tục thâm hụt. Để bù đắp phần chi tiêu ngân sách cho khu vực DNNN, Nhà nước sẽ buộc phải phát hành trái phiếu. Như vậy, nợ công của quốc gia sẽ tăng.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dẫn chứng: Với các khoản vay nợ của khu vực DNNN tại các NHTM thì trong trường hợp khó khăn nhà nước vẫn phải đứng ra thu xếp hoàn trả. Chẳng hạn, hình  thức khoanh nợ (như nợ của Vinashin  tại các NHTM) thì cuối cùng Chính phủ vẫn phải bỏ một phần tiền ra để bù đắp; hình thức chuyển nợ (như của Vinashin cho Vinalines và PVN) có thể khiến các DNNN khác lâm vào khó khăn và cuối cùng gánh nặng lại đè lên vai Nhà nước.

Còn hình thức bổ sung vốn (như tăng vốn điều lệ cho Vinashin từ 9.000 tỉ lên 14.655 tỉ đồng) thì vẫn là tiền từ NSNN.

Hay như khoản vay 45 triệu USD từ Ngân hàng ANZ cho dự án Xi măng Đồng Bành do Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) hay Tổng Công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp (MIE) đầu tư cũng được Bộ Tài chính đứng ra bảo lãnh khi dự án này rơi vào tình trạng thua lỗ không trả được nợ./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tỷ lệ nợ công phải được Quốc hội biểu quyết thông qua
Tỷ lệ nợ công phải được Quốc hội biểu quyết thông qua

(VOV) - Đây là kiến nghị của một số đại biểu Quốc hội khi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội.

Tỷ lệ nợ công phải được Quốc hội biểu quyết thông qua

Tỷ lệ nợ công phải được Quốc hội biểu quyết thông qua

(VOV) - Đây là kiến nghị của một số đại biểu Quốc hội khi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội.

Siết quy chế xử lý rủi ro đối với nợ công
Siết quy chế xử lý rủi ro đối với nợ công

Theo đó, nhằm tối ưu hóa cơ cấu nợ công, đảm bảo nghĩa vụ trả nợ và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác quản lý nợ công.

Siết quy chế xử lý rủi ro đối với nợ công

Siết quy chế xử lý rủi ro đối với nợ công

Theo đó, nhằm tối ưu hóa cơ cấu nợ công, đảm bảo nghĩa vụ trả nợ và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác quản lý nợ công.

Nợ công Việt Nam đang là 808 USD/người dân
Nợ công Việt Nam đang là 808 USD/người dân

(VOV) -Theo Đồng hồ nợ công toàn cầu, nợ công của Việt Nam hiện đang chiếm 49,2% GDP toàn quốc.

Nợ công Việt Nam đang là 808 USD/người dân

Nợ công Việt Nam đang là 808 USD/người dân

(VOV) -Theo Đồng hồ nợ công toàn cầu, nợ công của Việt Nam hiện đang chiếm 49,2% GDP toàn quốc.