Tỷ lệ nợ công phải được Quốc hội biểu quyết thông qua

(VOV) - Đây là kiến nghị của một số đại biểu Quốc hội khi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội.

Sáng nay (22/5), các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.

Theo Báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị chúng ta đã đạt những kết quả quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Có 11/15 chỉ tiêu đạt và vượt Kế hoạch cao hơn số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (10/15), cán cân thương mại đã cải thiện rõ rệt, xuất siêu 780 triệu USD, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư gần 9 tỷ USD đã góp phần tăng dự trữ ngoại hối; thị trường ngoại tệ và tỷ giá ổn định.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,81% thấp hơn nhiều so với mức tăng 18,13% năm 2011 và 11,75% năm 2010. Các lãi suất chủ chốt của NHNN đã được điều chỉnh giảm dần. Tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt cao hơn so với Kế hoạch. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nhưng kinh phí bố trí thực hiện các chính sách an sinh xã hội đạt 35,8% tổng chi NSNN, tăng 33,2% so với thực hiện năm 2011...

DN trong nước mất sức cạnh tranh

Theo ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP HCM), báo cáo của Chính phủ chưa phân tích sâu về tình hình kinh tế Việt Nam. Có thể dễ dàng khái quát được, nền kinh tế nước ta đang ở giai đoạn trì trệ nghiêm trọng. Trong nhiều năm từ đổi mới tới giờ, giai đoạn trì trệ bị tác động của khu vực là từ năm 1999 đến năm 2000 hồi phục.

Động lực mạnh nhất lúc đó là sự ra đời Luật Doanh nghiệp. Giai đoạn hiện nay, suy giảm tăng trưởng kéo từ 2008-2003. Nền kinh tế Việt Nam từ trước đến nay đều tăng trưởng 7-8% và chỉ tăng trưởng mức này mới đảm bảo mục tiêu giải quyết được các vấn đề xã hội. Hiện nay, tăng trưởng hơn 5% là nguy cơ chứ không phải chỉ đơn giản là chuyện nhìn vào quý này cao hơn quý kia là đã mừng.

Ngoài ra, trước đây nền kinh tế suốt các thời kỳ tăng trưởng dựa trên 4 lĩnh vực trụ cột gồm: Nền nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao, khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI). “Nhưng tới năm 2012 và 2013, điều lo ngại là kinh tế duy trì tăng trưởng dựa trên duy nhất FDI. Sự mất sức cạnh tranh của kinh tế Nhà nước và tư nhân trong tình hình hiện nay là điều phải quan tâm”, đại biểu Lịch nói.

Ông Lịch cũng đưa ra ý kiến của mình về chính sách tiền tệ và tài khóa. Với nhóm giải pháp về chính sách tiền tệ, năm ngoái nói nợ xấu là cục máu đông nghẽn nền kinh tế. Hôm nay tình hình đã khác, lãi suất giảm mạnh, xuống 8-9% mà DN không vay. Dư địa về tiền tệ không còn nhiều. Tuy nhiên chúng ta tính toán hài hòa giữ cstt với tháo gỡ tín dụng để bảo đảm tăng trưởng. “NHNN thực hiện chỉ tiêu dư nợ tín dụng năm nay 12% bằng các biện pháp linh hoạt về chính sách” – ông Lịch nói.

Về chính sách tài khóa, theo ông Lịch, việc khống chế nợ công là cần thiết nhưng năm 2013-2014 Quốc hội phải có một quyết định khó khăn là xem lại mức tăng bội chi để nới lỏng chính sách tài khóa. Phát hành trái phiếu 45 nghìn tỷ cho các lĩnh vực nhưng trước mắt phải trả nợ cho các dự án đầu tư công đang nợ các DN, gồm các dự án đã hoàn thiện và các dự án đã hoàn thành 80%. Làm được như vậy sẽ tăng được tổng cầu của nền kinh tế. “Mấu chốt là trung ương và các địa phương phải trả xong nợ các dự án đã đầu tư xong” – ông Lịch nhấn mạnh.

Chia sẻ những băn khoăn về nợ công, ĐB Trương Thị Ánh (đoàn TP HCM) cho rằng: Gần đây Chính phủ đánh giá nợ công vẫn ở mức an toàn. Nhưng thực tế mức đó, QH chưa có biểu quyết và chưa biết như thế nào là an toàn. Riêng CPI chúng ta có biểu quyết chỉ tiêu. Còn nợ công thì cứ nói nhưng chỉ biết ghi nhận mà không có tiêu chí nào để định mức giám sát và Chính phủ điều hành trong mức đó. “Chính phủ cần nghiên cứu xác định chỉ tiêu an toàn cho nợ công và cần được Quốc hội thông qua” – đại biểu Ánh nói.

Xuất siêu là một tín hiệu tốt, tuy nhiên phân tích tình hình xuất, nhập khẩu cho thấy thâm hụt thương mại với Trung Quốc lớn. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng việc nền kinh tế chuyển nhanh từ trạng thái nhập siêu lớn trong nhiều năm sang xuất siêu trong khi cơ cấu giữa các khu vực kinh tế, cơ cấu ngành hàng và cơ cấu thị trường chưa được cải thiện nhiều, điều đó chưa hẳn là dấu hiệu tích cực hoàn toàn và chưa mang tính bền vững mà phản ánh một phần thực trạng đáng lo ngại là năng lực hấp thụ đầu vào của nền kinh tế đang bị suy yếu, sản xuất vẫn chưa phục hồi.

Phải quy trách nhiệm cá nhân

Nhận xét về những kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2102, ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng, Chính phủ đã thực hiện khá tốt những chỉ tiêu như: Lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô. Một số vấn đề dư luận quan tâm như thủy điện Sông Tranh đã được các cơ quan hành pháp và Chính phủ vào cuộc nhanh. Song bên cạnh đó vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan điều hành chưa ăn khớp khiến hiệu quả đầu tư công chưa cao. Chính phủ quy trách nhiệm cá nhân chưa rõ khiến sai phạm nảy sinh vì vậy, cần phải nhìn thẳng vào sự thật để có những đánh giá chính xác.

Đại biểu Bùi Thị An cũng thẳng thắn cho biến, các số liệu đánh giá về KTXH hiện chưa chuẩn, người bảo tốt, người bảo chưa tốt. Hiện các đánh giá về lãi suất, vốn vay, tỷ hộ nghèo... đều không thống nhất. Tỷ lệ nợ xấu, nợ công, thất nghiệp cũng có tới mấy con số. Đại biểu đề nghị các ngành chức năng phải ngồi lại đánh giá đúng tình hình. Bởi trên thực tế, theo báo cáo của các tỉnh, GDP đều tăng tới 9-10% trong khi GDP cả nước chỉ tăng hơn 5%.

Còn đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (đoàn Hà Nội) cho biết, lĩnh vực an sinh xã hội nổi lên nhiều vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến lĩnh vực giáo dục phổ thông và mầm non, chương trình giảng dạy tại sách giáo khoa, vấn đề bảo đảm chất lượng giáo dục... song báo cáo của Chính phủ đưa ra còn quá sơ sài, chưa đạt yêu cầu.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) cũng thẳng thắn cho rằng, 3 mục tiêu không đạt và chỉ tiêu về tỷ lệ giảm nghèo cần phải được phân tích, đánh giá cẩn trọng chứ không nên chỉ nhìn vào những chỉ tiêu đã đạt được rồi. Điều này sẽ giúp giải quyết những nút thắt của nền kinh tế như: nợ xấu, lãi suất, đầu tư công./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hạ lãi suất không còn là chiếc đũa thần
Hạ lãi suất không còn là chiếc đũa thần

(VOV) - Câu chuyện lãi suất không còn nhiều ý nghĩa với DN; nên thành lập một ủy ban giải quyết khẩn cấp các vấn đề kinh tế...

Hạ lãi suất không còn là chiếc đũa thần

Hạ lãi suất không còn là chiếc đũa thần

(VOV) - Câu chuyện lãi suất không còn nhiều ý nghĩa với DN; nên thành lập một ủy ban giải quyết khẩn cấp các vấn đề kinh tế...

Ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp không mặn mà
Ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp không mặn mà

(VOV) - Lãi suất thấp nhưng doanh nghiệp không vay, bởi không biết vay về để làm gì vì hàng tồn kho không bán được.

Ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp không mặn mà

Ngân hàng thừa vốn, doanh nghiệp không mặn mà

(VOV) - Lãi suất thấp nhưng doanh nghiệp không vay, bởi không biết vay về để làm gì vì hàng tồn kho không bán được.

Vinacomin phải giữ bí mật kinh doanh 2 dự án bauxite
Vinacomin phải giữ bí mật kinh doanh 2 dự án bauxite

(VOV) -Vinacomin cho rằng, đây là mức thuế bình thường áp cho alumin so nhiều nước thế giới.

Vinacomin phải giữ bí mật kinh doanh 2 dự án bauxite

Vinacomin phải giữ bí mật kinh doanh 2 dự án bauxite

(VOV) -Vinacomin cho rằng, đây là mức thuế bình thường áp cho alumin so nhiều nước thế giới.