Nông dân Gia Lai mạnh dạn làm giàu, nông thôn mới ngày càng khởi sắc
VOV.VN - Với tinh thần dám nghĩ, dám làm và nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, hàng nghìn nông dân ở tỉnh Gia Lai đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình nông nghiệp, mang lại giá trị kinh tế cao, từ đó làm giàu cho gia đình mình, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn trong tỉnh.
Những năm qua, phát huy lợi thế sẵn có của ngành nông nghiệp ở địa phương, cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm và nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, hàng nghìn nông dân ở tỉnh Gia Lai đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình nông nghiệp, mang lại giá trị kinh tế cao, từ đó làm giàu cho gia đình mình, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn trong tỉnh
Nhờ mạnh dạn đầu tư, xây dựng hiệu quả mô hình vườn-ao-chuồng, mà mỗi năm ông Vũ Trung Bộ, ở xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai luôn đảm bảo thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng.
Ông Bộ cho biết, từ những năm 1990, gia đình ông chuyển từ huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình vào sinh sống ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, chỉ vỏn vẹn 5 sào đất được cấp, cuộc sống rất khó khăn. Năm 2000, ông mạnh dạn thế chấp đất đai, vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng để mua bò, trồng lúa và buôn bán nông sản.
Từ số vốn ít ỏi ban đầu, nhưng nhờ khéo léo làm ăn, tới nay ông Bộ đã có nhà cửa khang trang, mô hình vườn ao chuồng với 200 cây ổi, 150 con gà đẻ trứng và 2 sào ao đang nuôi 5 vạn tôm càng xanh.
Ông Bộ chia sẻ: “Ngân hàng tạo điều kiện không riêng mình tôi, mà cho tất cả người dân ở đây. Vốn tự gia đình tự xoay vài ba chục triệu thôi, nhưng vay ngân hàng thì được lên tới 200 triệu đồng, 500 triệu đồng thì đủ lực cho gia đình làm, không phải đi làm thuê nữa. Làm được 6 tháng có tiền thì trả ngân hàng, thì ngân hàng vẫn cho trả dần”.
Cũng đổi đời nhờ việc mạnh dạn vay vốn làm nông nghiệp, ông Vũ Xuân Huy, sinh năm 1962, ở làng Breng, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai cũng có cơ ngơi khang trang, cuộc sống sung túc.
Ông Huy cho biết, từ những năm 2000, khi ông còn là công nhân cao su, nhận thấy đất bazan ở huyện Đăk Đoa rất màu mỡ, dễ dàng phát triển cây công nghiệp. Vì vậy ông Huy đã mạnh dạn tới Ngân hàng ở huyện Đăk Đoa vay 5 triệu đồng để trồng cà phê.
Theo ông, lợi nhuận từ cây cà phê luôn ổn định khoảng 50 triệu/ha/năm. Cứ sau mỗi năm, ông lại sắm sửa thêm các loại máy cày, máy xay xát hạt cà phê, làm sân phơi rộng rãi. Ông Vũ Xuân Huy phấn khởi, đây là cơ sở để gia đình ông có thu nhập cao và bền vững về sau.
"Liên tục nhiều năm, tôi sử dụng vốn ngân hàng, thấy hiệu quả. Doanh thu của nhà tôi hiện nay là 1,2 - 1,4 tỷ đồng, trừ chi phí thì còn lợi nhuận 350 - 400 triệu đồng. Chương trình của tôi là có tái canh và đưa thêm cây trồng xen, cây ăn trái vào nữa” - ông Huy bày tỏ.
Ông Y Đức Thành- Phó Bí thư huyện uỷ huyện Đăk Đoa cho biết, thời gian qua, người dân trong huyện đã được tiếp cận với nhiều nguồn vốn phát triển nông nghiệp và các chương trình cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Quyết định 68/2013/QĐ-TTg trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đây chính là bệ đỡ, động lực, giúp hàng chục nghìn nông dân nỗ lực và tự tin vươn lên làm giàu, từ đó góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại địa phương.
Theo ông Thành: “Thời gian qua việc tiếp cận vốn rất thuận lợi, dễ dàng, bà con tiếp cận nhanh, giải quyết được vấn đề không vay nóng, hỗ trợ vốn cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế và 3 chương trình lớn về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế trên địa bàn, an ninh chính trị được đảm bảo”.
Thực tế, thời gian qua, nguồn vốn từ Ngân hàng là bệ đỡ quan trọng giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại tỉnh Gia Lai. Nhờ đó, nông dân có nguồn lực để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất và phát triển hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, tạo ra khối lượng lớn nông sản, hàng hoá có giá trị.
Sự đổi thay của ngành nông nghiệp đã tạo ra động lực mạnh mẽ để thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội ở khu vực nông thôn, giúp địa phương có thêm nguồn lực phát triển phong trào xây dựng nông thôn mới. Cuối năm 2022, toàn tỉnh có 91/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 huyện, 1 thành phố đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Đinh Văn Chinh, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện (huyện Phú Thiện) cho biết: “Với sự hỗ trợ đắc lực của ngân hàng và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự năng động của người dân thị trấn thì thời điểm này thì bộ mặt đô thị của thị trấn ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,2%. Chúng tôi tin tưởng rằng có thể xây dựng thị trấn ngày một khang trang hơn”.
Thời gian qua, các chương trình tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được triển khai đồng bộ, việc tiếp cận vốn nhanh chóng, dễ dàng, đã góp phần giúp đời sống nông dân tại tỉnh Gia Lai ngày càng nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi khởi sắc./.