Nông dân Hậu Giang đang lo rớt giá mía
VOV.VN-Nông dân tỉnh Hậu Giang đã bước vào vụ thu hoạch mía, và họ đang canh canh cánh bên lòng nỗi lo về giá cả.
Trên cánh đồng ở ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, anh Lê Thanh Sơn đang thu hoạch hơn 4 công mía giống ROC 16. Anh buồn rầu cho biết với năng suất bình quân 13 tấn/công và giá mía bán tại ruộng chỉ hơn 800 đồng/kg, tính ra vụ này anh gần như hòa.
Theo phân tích của anh Sơn, người trồng mía không có lời bởi chi phí cho sản xuất quá cao, ngoài tiền mua mía hom giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mướn nhân công chăm sóc đầu vụ, người trồng mía còn phải tốn thêm tiền thu hoạch mía, tính ra giá thành sản xuất mỗi kg mía đã tốn hơn 800 đồng. Đó là chưa kể khi nước lũ về chi phí thu hoạch còn đội lên.
Giá thu mua mía hiện tại đang đẩy người trồng mía vào nhiều cái khó (Ảnh: Báo Hậu Giang) |
Anh Trần Văn Long một nhân công thu hoạch mía cho biết: “Trong thời điểm này, chúng tôi làm từ đốn cho tới vác, cân, xuống tới ghe cho chủ mía là giá 120.000 đồng, thời điểm này khô ráo giá như vậy, nhưng tới nước lên là lên tới 150.000 – 160.000 đồng, nước lên quá cao thì nhân công phải lên mới có ăn.”
Năm nay, Hậu Giang có hơn 14.000 ha mía, trong đó huyện Phụng Hiệp chiếm hơn 9.550 ha. Với diện tích này, Phụng Hiệp được Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ nhận bao tiêu gần 8.700 ha và diện tích còn lại được Công ty trách nhiệm hữu hạn mía- đường- cồn Long Mỹ Phát bao tiêu với giá 830 đồng/kg cho mía 10 chữ đường.
Có thể nói, với giá thu mua như thế này đã đẩy người trồng mía vào nhiều cái khó. Thứ nhất, khi vào thu hoạch rộ, do không có phương tiện chuyên chở đến nhà máy nên phần lớn nông dân đều bán mía tại ruộng cho thương lái với giá luôn thấp hơn giá sàn mà các nhà máy đường đưa ra.
Thứ hai, nếu để cho mía đạt 10 chữ đường thì cần thu hoạch đúng thời gian mà lúc đó có thể nước lũ đã đổ về. Để gỡ khó cho người trồng mía, thời gian qua, huyện Phụng Hiệp đã triển khai xây dựng tuyến đê bao khép kín để bảo vệ gần 3.000 ha mía. Do đó, năm nay chỉ còn hơn 5.000 ha mía có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ.
Ông Nguyễn Thế Tự - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết: “Diện tích còn hơn 5.000 ha chưa được khép kín nếu lũ về chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất cũng như sản lượng mía. Do đó, vấn đề chủ động thì phân từng khu vực giống (như giống chịu ngập, giống chín sớm) để đưa vào kế hoạch thu hoạch tới cho 2 nhà máy này để phân thời gian mua cho nó phù hợp với bà con ở vùng mía Phụng Hiệp”.
Mặc dù chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp với mong muốn người trồng mía có được lợi nhuận cao ở vụ mía này. Tuy nhiên, với giá mía ở đầu vụ không mấy khả quan, người trồng mía vẫn đang phân vân đứng trước những nỗi lo. Lo không biết đến khi vào thu hoạch rộ giá mía sẽ ra sao và lo khi lũ đổ về mía có kịp thu hoạch không hay sẽ bị thiệt hại giống như ở những mùa lũ trước./.