Nút thắt hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đang được tháo gỡ
VOV.VN - Trong giai đoạn vừa qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tạo đột phá để phát triển kinh tế, xã hội. Hiện nay, đang có nhiều dự án cao tốc được đầu tư, triển khai ở vùng ĐBSCL và khi những dự án hoàn thành sẽ là động lực then chốt để liên kết, kết nối.
Vùng ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế phía Nam của Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, kết nối với khu vực Đông Nam Á và thế giới. Khu vực này là trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước nhưng phần lớn lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL đều thông qua cảng biển khu vực TPHCM. Chính điều này làm giảm sức cạnh tranh hàng hóa của vùng, tăng chi phí logistics.
Hàng hóa của vùng ĐBSCL vẫn phụ thuộc vào cảng biển TP.HCM
Hạ tầng giao thông ở khu vực ĐBSCL phát triển chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Ông Phan Hoàng Phương, Viện Chiến lược Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, mặc dù trục dọc trên tuyến quốc lộ 1 tuyến huyết mạch đã được cải tạo nhưng tình hình ùn tắc vẫn diễn ra, đặc biệt là cầu vượt sông không đồng bộ với toàn tuyến. Ngoài ra, vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng về phát triển đường thủy nội địa nhưng tận dụng, khai thác tuyến đường này vẫn còn hạn chế.
Về điểm nghẽn logistics của vùng ĐBSCL, ông Phan Hoàng Phương cho rằng, hiện nay khoảng 70% hàng hóa xuất, nhập khẩu của vùng ĐBSCL vẫn phải đi qua cảng biển TP. HCM. Điều bất cập thấy rõ nhất chính là nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của vùng vẫn phải vận chuyển chính từ các cảng biển của TP. HCM. Và khi hàng hóa của vùng muốn xuất khẩu đi các nước lại tiếp tục phụ thuộc vào cảng biển ở TP. HCM và Đông Nam bộ đã làm gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh hàng hóa của vùng trong thời gian qua.
Để giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng thì thời gian qua vùng ĐBSCL đã và đang được đầu tư mạng lưới đường bộ cao tốc. Trong đó, vùng ĐBSCL sẽ có 6 tuyến cao tốc gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang và khi hoàn thiện các cao tốc sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của vùng.
“Trong Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội đảm bao an ninh, quốc phòng của vùng ĐBSCL thì trong 6 Nghị quyết phát triển của 6 vùng chiến lược, thì có thể nói vùng ĐBSCL là vùng duy nhất trong Nghị quyết đề ra mục tiêu đến 2030 chúng ta phải phấn đấu hoàn thiện toàn bộ hệ thống đường cao tốc của khu vực vùng, tức là 3 tuyến trục ngang và 3 tuyến trục dọc sẽ được đầu tư trong giai đoạn đến 2030. Có thể nói đây là tiền đề rất là quan trọng để chúng ta làm động lực để kêu gọi đầu tư cung như có tiếng nói với Trung ương để bố trí nguồn vốn để làm sao hoàn thiện được hệ thống cao tốc của ĐBSCL trong thời gian sắp tới” - ông Phan Hoàng Phương nói.
Cần nghiên cứu vật liệu xây dựng cho vùng ĐBSCL
Ông Ngô Hoàng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay hạ tầng giao thông của vùng vẫn chưa kết nối đồng bộ, nhiều đoạn tuyến bị trì hoãn, nhiều tuyến đường bộ còn nhỏ hẹp, chất lượng thấp, đường bộ cao tốc còn rất hạn chế. Vì vậy, khiến cho chi phí logistics tăng cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa từ khu vực ĐBSCL.
Nhằm tháo gỡ nút thắt hạ tầng giao thông cho vùng, nhiều dự án cao tốc được triển khai. Tuy nhiên, khi các tuyến cao tốc trong vùng đồng loạt triển khai thì nhu cầu về liệu cát san lấp là rất lớn, khoảng 54 triệu m3, chủ yếu tập trung trong năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, trữ lượng cát san lấp khảo sát hiện tại khoảng 37 triệu m3, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu. Vì vậy, cần nâng công suất các mỏ cát đang khai thác; cấp lại giấy phép khai thác các mỏ đã hết hạn, tạm thời đóng cửa; nghiên cứu việc sử dụng vật liệu thay thế như: cát nghiền từ đá, tro xỉ để cung ứng cho các dự án đường cao tốc và các công trình dân dụng.
Theo ông Ngô Hoàng Nguyên, các địa phương cũng cần tự ưu tiên thực hiện triển khai dự án trong toàn vùng là cần thiết để căn cứ cung ứng các nguồn lực, vật liệu để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm trong ĐBSCL.
“Do thể chất đặc biệt của ĐBSCL có thể dùng cầu cạn, có thể tính toán cao độ thiết kế phù hợp, bởi vì có hệ thống lũ mùa nước cho nên là nhiều khi nhiều tuyến đường cao tốc thành cái đê tạm thời và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Vấn đề chính giảm lượng đất đắp, cát đắp, ngoài ra mỏ cát khai thác nhiều thì chúng ta lại phải đi giải quyết cái yêu cầu sạt lở” - ông Ngô Hoàng Nguyên nói.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định “Vùng ĐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển nhanh và bền vững phù hợp với vai trò, vị trí chiến lược của vùng; trở thành vùng phát triển hiện đại, sinh thái, văn minh và bền vững là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước”.
Hiện nay, có 2 dự án trọng điểm của Trung ương trên địa bàn thành phố Cần Thơ là dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đây là những dự án quan trọng nhằm kết nối các địa phương với nhau và TP. HCM cũng như các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước.
Trước nhu cầu vật liệu cho các tuyến cao tốc, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường kiến nghị xem xét làm cao tốc trên cao: “Đầu tư xây dựng đường cao tốc trên cao vì hiện tại, ĐBSCL chỉ có trục chính quốc lộ đường bộ, các địa phương trong vùng đang trên đà phát triển, lượng xe lưu thông trên đường ngày càng nhiều, đặc biệt là ĐBSCL là vùng sông nước với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Nên việc xây dựng đường cao tốc trên cao là rất phù hợp và mang tính cấp thiết”.
Xây dựng 16 đề xuất dự án cho phát triển vùng ĐBSCL
Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cùng 13 địa phương xây dựng 16 đề xuất dự án cho phát triển vùng ĐBSCL. Mục tiêu của các dự án nhằm tăng cường hệ thống giao thông kết nối các địa phương; xây dựng hoàn thiện hệ thống đường ven biển; nâng cao khả năng quản lý nguồn nước, chống chịu và ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển vùng.
Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với những đề xuất các dự án phát triển vùng ĐBSCL sẽ lan tỏa, hỗ trợ thủy lợi và giao thông. Tuy nhiên, trước nhiều khó khăn, vướng mắc nên cần phải có cơ chế đặc thù để triển khai các dự án. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị ủy quyền cho địa phương là cơ quan chủ quản các dự án quốc lộ và đối với những dự án có tính liên kết vùng, liên quan đến hai địa phương, kiến nghị ban hành cơ chế đặc thù giao cho một địa phương làm chủ đầu tư.
“16 dự án với tổng trị giá 2,5 tỷ USD mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các địa phương với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận động các nhà tài trợ và được cam kết vốn. Dự án đầu tiên đã được Chính phủ phê duyệt theo đề xuất đó là dự án của Bộ Giao thông” - ông Phạm Hoàng Mai nói.
Giao thông vùng ĐBSCL đã được nhận định là thiếu và yếu bởi địa hình của vùng bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nền địa chất yếu, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thấy những bất cập về hạ tầng giao thông, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong vùng đang tập trung nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng giao thông nhằm thoát khỏi điểm “nghẽn” bấy lâu nay.
Trong quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 tại khu vực ĐBSCL 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km với quy mô từ 4 đến 6 làn xe. Khi hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL hoàn thiện sẽ là động lực quan trọng để vùng tiếp tục phát huy thế mạnh về thuỷ sản, trái cây và lúa gạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong vùng trong thời gian tới./.