Ô tô trên 1,5 tỷ đồng có thể bị đánh thuế tài sản
VOV.VN - Theo dự án Luật thuế tài sản của Bộ Tài chính, sở hữu tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên sẽ phải chịu thêm thuế tài sản.
Tại buổi họp báo chuyên đề về Dự án Luật thuế tài sản do Bộ Tài chính tổ chức chiều 13/4, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, thuế tài sản là một loại thuế ra đời sớm trong hệ thống thuế của đa số các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển.
Hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) với nhiều tên gọi khác nhau. Các nước sử dụng thuế tài sản như một công cụ tài chính hữu hiệu để tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân; đồng thời, có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất; góp phần đảm bảo công bằng xã hội.
Ảnh minh họa. |
Ngoài tài sản nhà ở, đất, công trình xây dựng trên đất sẽ chịu thuế tài sản, Bộ Tài chính cũng đưa ra thêm đối tượng để đề xuất đánh thuế là máy bay, ô tô và du thuyền.
Đối với tàu bay, ô tô, du thuyền, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án: một là đánh thuế tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng; hai là không đánh thuế các đối tượng trên.
Về giá tính thuế đối với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên được đề nghị cách tính: Giá tính thuế là giá trị tài sản tại thời điểm tính thuế do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quy định.
Đối với tàu bay, du thuyền, ô tô đã qua sử dụng, giá tính thuế được xác định bằng giá trị tài sản mới nhân với tỷ lệ phần trăm (%) chất lượng còn lại của tài sản do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thời gian sử dụng tài sản tại thời điểm tính thuế.
Về thuế suất, ông Phạm Đình Thi cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế thì mức thuế suất thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Tuy nhiên, đa số các nước áp dụng mức thuế suất thuế tài sản cao, trong đó có một số nước trong khu vực như Indonesia 0,5%; Philippines 1% và 2%.
Bộ Tài chính đề nghị 2 phương án thuế suất thuế tài sản như sau: một là áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,3%; hai là áp dụng mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,4%.
Đối với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên (trường hợp đánh thuế đối với các tài sản này), Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án thuế suất là 0,3% và 0,4%.
Để đảm bảo tính ổn định của giá tính thuế, thuận lợi cho người nộp thuế trong việc kê khai thuế, Bộ Tài chính đề nghị quy định giá tính thuế được ổn định 5 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Việc ổn định theo chu kỳ 5 năm được thực hiện như sau: Trường hợp trong chu kỳ có sự thay đổi người nộp thuế hoặc phát sinh các yếu tố dẫn đến thay đổi giá tính thuế thì cũng không phải xác định lại số thuế phải nộp cho thời gian còn lại của chu kỳ; trường hợp phát sinh tài sản mới chịu thuế thì giá tính thuế được ổn định cho thời hạn còn lại của chu kỳ (nội dung này sẽ được quy định tại các văn bản dưới Luật)./.
Đánh thuế tài sản không rõ nguồn gốc của cán bộ liệu có khả thi?
Mở rộng thu thuế tài sản vì người Việt đang giàu nhanh?