Phải rất thận trọng với việc tăng cung
VOV.VN -Nhu cầu của nền kinh tế hiện đang rất thấp. Nhiều cửa hàng treo biển “uống bia thả cửa” để bán thức ăn.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã đưa ra nhận định và nhận xét này tại tọa đàm về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.
Trước đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, để phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5%, cần đẩy mạnh hơn nữa chi tiêu đầu tư công thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ cho các dự án lớn đang thiếu vốn; sớm giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản 94.000 tỉ đồng cho các DN, đẩy nhanh tốc độ chi đầu tư ngân sách nhà nước vào những công trình trọng điểm quy mô lớn, những dự án có kế hoạch sớm hoàn thành trong năm 2013 và có thể hoàn thành trong năm 2014.
Về nhận định này, ông Nguyễn Minh Phong bày tỏ quan điểm: Trong bối cảnh trước mắt thì tăng đầu tư công là cần thiết để tạo động lực tăng trưởng kinh tế nhanh. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp bền vững, vì thế, chỉ nên thúc đẩy dự án đầu tư công nằm trong kế hoạch đáp ứng đủ điều kiện, chứ không phải tăng theo kiểu bất chấp hậu quả, bị chi phối bởi lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ, đặc biệt tăng đầu tư công theo kiểu in tiền để đầu tư. Việc nâng cao hiệu quả đầu tư công và tạo cơ hội cho đầu tư tư nhân mới thực sự là lối thoát lâu dài.
Lương tăng không kịp với giá nên nhiều người đã phải hạn chế nhu cầu tiêu dùng (ảnh Internet) |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Phụng – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng việc sưởi ấm nền kinh tế bằng cách tăng thêm tổng cầu là một trong những biện pháp kích thích tăng trưởng và trong số những biện pháp này thì tăng đầu tư công là một trong những biện pháp quan trọng. “Nhưng lúc này có những khó khăn nhất định vì chúng ta phải tìm ra được nguồn lực tài chính để bảo đảm cho việc giải ngân đầu tư công” – ông Phụng nói.
Nhìn về thực trạng “cầu” của nền kinh tế, ông Lê Đăng Doanh-nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, hiện nay cầu của nền kinh tế đang rất thấp. Sức mua của người dân hiện đang ở mức thấp nhất từ 13 năm nay. Tiền lương của CBCNVC tính theo giá thóc, giá gạo cũng không tăng lên nhiều lắm so với các con số được đưa ra. Nếu tăng lương so với một số mức giá cơ bản thì mức tăng lương không thể cao như vậy. Vấn đề hiện nay là phải tăng sức mua của người dân, tăng tính hấp thụ của nền kinh tế. Hiện nay rất nhiều mặt hàng còn tồn kho, không chỉ sắt, thép, xi măng, mà ngay cả bia cũng tồn kho. Ở các thành phố xuất hiện rất nhiều nhà hàng treo biển “uống bia thả cửa” để nhằm kết hợp bán bia với bán thức ăn. “Tôi cho rằng phải rất thận trọng với việc tăng cung” – ông Doanh nói.
Về việc tăng đầu tư công, ông Doanh cũng cho rằng, phải cần có chọn lọc, có trọng điểm với việc giám sát một cách chặt chẽ, nâng cao hiệu quả, tránh đầu tư công theo kiểu “một nhà vệ sinh bé tí tẹo mà có giá 600 triệu đồng”. Điều kiện tiên quyết để có thể giải quyết được tình hình hiện nay là phải cân đối cung cầu. “Theo tôi, cần đẩy mạnh tăng cầu xã hội, tăng sức mua của người dân, đầu tư công có trọng điểm với sự giám sát mạnh mẽ.
Hiện nay chúng ta đang cố gắng tăng tín dụng. Việc tăng trưởng tín dụng về số lượng không quan trọng bằng tăng chất lượng tín dụng và hiệu quả tín dụng. “Vấn đề là phải cân đối cung cầu chứ không phải là tăng cung bằng bất cứ giá nào” – ông Doanh nhấn mạnh.
Chậm triển khai các giải pháp
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đình Trung - Tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh, khẳng định: Các chính sách này xuống được với DN, địa phương vẫn còn chậm, phải làm sao để nhanh chóng hơn và giúp DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
"Về gói 30.000 tỷ, tôi thấy đến thời điểm hiện nay mà chỉ có 2 DN và 56 cá nhân được vay là quá chậm. Bộ Xây dựng và các cơ quan, NH cần nghiên cứu thêm để chính sách thực sự phát huy hiệu quả. Riêng với DN BĐS, nên chăng cần có quy chuẩn để các DN xác định mình có thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ trong giai đoạn này. Nếu không các DN sẽ trông chờ và sẽ khó khăn thêm" - ông Trung cho biết thêm.
Tái cấu trúc - cần tập trung vào nông nghiệp
Các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đều cho rằng, quá trình tái cấu trúc là cần thiết để phát triển và phát triển bền vững. Ở khía cạnh doanh nghiệp thì tìm ra một giải pháp tốt nhất về quản lý thị trường tài chính nhằm đem lại hiệu quả, thì đấy là giải pháp để tái cấu trúc doanh nghiệp.
Theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh và Nguyễn Minh Phong, tái cấu trúc không phải là bỏ đi hay “giết chết” một tập đoàn, một công ty hay một mô hình kinh tế. Điểm yếu của chúng ta hiện nay mấu chốt nằm ở điều hành và khâu giám sát.
Ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc tái cấu trúc doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước là hết sức cần thiết; trong đó cần tập trung tái cấu trúc cả nền nông nghiệp. Chúng ta có nguồn lực rất lớn từ một nền kinh tế nông nghiệp nhưng lại chưa phát huy được những lợi thế đó. Trong khi đó lại phát triển doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực bất động sản và tài chính. Thực trạng của nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thể trở thành một cường quốc về tài chính. Chính phủ cần đưa ra những chính sách quan tâm nhiều hơn tới tái cấu trúc nền nông nghiệp, tập trung nguồn lực, ứng dụng công nghệ cao thì sẽ có sự phát triển bền vững./.