Mua tạm trữ lúa gạo không có nghĩa bao tiêu toàn bộ sản phẩm
VOV.VN -Cách đây hơn 1 tháng, giá mua lúa gạo xuống thấp, có gói hỗ trợ, giá được giữ ổn định.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định điều này tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 30/7 khi trả lời câu hỏi của báo chí: “Từ 15/6, Chính phủ triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, nhưng trong báo cáo thì lương thực là nhóm giảm duy nhất trong rổ hàng hóa tính CPI. Bộ trưởng có thể phân tích thêm mối liên hệ ở đây như thế nào? Đã có chính sách nhưng vì sao lương thực vẫn giảm?”
Thu mua tạm trữ lúa gạo (ảnh: Báo nông nghiệp) |
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận sâu sắc toàn diện ngành nông nghiệp để có những đổi mới cần thiết. Việt Nam vươn lên là một trong những nước hàng đầu về xuất khẩu lúa gạo. Có những năm chúng ta tăng đều 1 triệu tấn lương thực, xuất khẩu gạo tùy từng năm nhưng hiện nay khoảng 7 triệu tấn. Có năm xuất khẩu đứng thứ 2 hoặc thứ 3. Cá, tôm, cà phê cũng như vậy.
Bây giờ không phải thời điểm thế giới thiếu gạo trầm trọng. Nhiều nước xuất khẩu gạo, như Thái Lan, Ấn Độ, bây giờ Myanmar cũng bắt đầu đổi mới sản xuất như chúng ta mươi năm trước, giá thành ban đầu rất rẻ.
Nông dân làm ra gạo theo mùa vụ, phải có doanh nghiệp đứng ra mua, chế biến gạo để xuất khẩu. Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối để mua tạm trữ lúa gạo khi chưa xuất khẩu.
“Việc mua tạm trữ này không có nghĩa doanh nghiệp hay Nhà nước có chính sách bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Hàng năm căn cứ theo sản lượng, thị trường, Chính phủ điều hành trong một khoảng thời gian nhất định, khi vào vụ mùa thu hoạch, có tài chính và cơ chế để doanh nghiệp mua tạm trữ một phần lúa gạo cho người dân, năm nay là 1 triệu tấn lúa gạo” – ông Đam nói.
Tại sao Chính phủ vẫn trợ giúp mua tạm trữ mà giá không lên hay không xuống? Nếu tất cả cùng bán ồ ạt thì giá xuống. Còn nếu có khoản tạm trữ để giúp doanh nghiệp mua thì có thể kìm, không để giá xuống. Nếu cách đây hơn 1 tháng, giá xuống thấp, khi có gói hỗ trợ, giá được giữ ổn định.
Ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta tìm cơ chế điều hành sao cho đảm bảo quyền lợi của dân và giữ được thị trường xuất khẩu gạo ổn định và được giá”.
Chiến lược phát triển nông nghiệp, theo ông Đam, sẽ tiến tới cơ chế là các doanh nghiệp được xuất khẩu gạo thì tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình đầu tư vào vùng lúa. Nếu không trực tiếp đầu tư cùng dân thì cũng phải cam kết thu mua của người dân. Nhưng ngược lại, để doanh nghiệp tham gia cùng người dân thì lại là lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn khác.
Ông Vũ Đức Đam lấy dẫn chứng về câu chuyện mía đường, cũng cần từng bước tuyên truyền, tiến tới sản xuất theo vùng nguyên liệu lớn, không manh mún, khắc phục tình trạng doanh nghiệp đầu tư giống, vốn, hỗ trợ để người nông dân bán lúa, thành phẩm cho doanh nghiệp ấy nhưng khi được giá lại bán cho doanh nghiệp khác.
“Nếu cứ tiếp tục vòng luẩn quẩn ấy thì không thể phát triển bền vững” – ông Đam nhấn mạnh.
Vừa rồi, báo chí đưa tin và Thủ tướng đã trực tiếp họp với một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, giao các bộ khẩn trương thực hiện trên tinh thần hướng tới trong một số năm các doanh nghiệp được xuất khẩu gạo, thủy sản phải trực tiếp hoặc gián tiếp gắn với vùng nguyên liệu. Với hướng đó, Chính phủ tin rằng thị trường sẽ ổn định hơn.
Bộ trưởng Đam cũng cho biết: “Các bộ, ngành vừa trình, Chính phủ đang xem xét có thể kéo dài thời hạn tạm trữ”./.